Từng có một quá khứ vàng son với những tên tuổi lừng danh góp mặt vào văn đàn Việt, nhưng hiện nay mô hình đào tạo viết văn này cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho cả người học lẫn người dạy.
Thế hệ tiếp nối
Trải qua 40 năm, chỉ tính riêng lĩnh vực viết văn của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây, khoa Viết văn - Báo chí hiện nay đã và đang đào tạo 16 khóa cử nhân Viết văn (ngành Sáng tác văn học) với tổng số gần 400 học viên theo học.
Tham gia học tại khoa, học viên được tiếp xúc, gặp gỡ và học tập với các nhà nghiên cứu, phê bình tên tuổi như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Đăng Mạnh, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Na, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Chu Văn Sơn…; đặc biệt có nhiều nhà văn, nhà thơ có uy tín đến giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý…; hay các họa sĩ Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng.
Chính từ nơi đây, nhiều thế hệ học viên của khoa đã trưởng thành, ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống văn chương, báo chí của đất nước, trở thành thế hệ kế cận sau những tên tuổi lừng lẫy bước ra từ khoa. Chỉ tính riêng từ khóa 7 trở về sau này, có nhiều gương mặt đã trở thành những tên tuổi nổi bật trên văn đàn hiện nay như Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng (K7); Đoàn Văn Mật, Hữu Vi (K8); Vũ Thị Huyền Trang (K9); Du Nguyên, Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai (K10); Đinh Phương (K11), Phạm Thanh Thúy (K12); Phạm Thu Hà (K15)…
Cùng với đó, nhiều học viên cũng đã ghi tên mình trong những bảng vàng văn chương danh giá. Có thể kể đến: Hương Thị (K7) với giải tư Văn học tuổi 20 lần 4; Phạm Thu Hà (K15) với giải ba Văn học tuổi 20 lần 6; Đinh Phương (K11) với giải nhì Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải khuyến khích Văn học tuổi 20 lần 6; Trung Long (K10) với giải ba Cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ 2016-2018.
Nhớ lại những năm tháng theo học ở trường, nhà văn - Đại tá Nguyễn Bình Phương (học viên khóa 4, hiện đang là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội), xúc động cho biết, được học ở Trường Viết văn Nguyễn Du là một may mắn: “Khi khóa 4 của chúng tôi nhập học, tôi và một số học viên thực sự lãnh trọn một cú sét. Cú sét ấy là tâm huyết, vốn kiến thức đồ sộ, là danh tiếng, đạo đức của những người trong trường và những giảng viên giảng dạy. Các thầy cô đã soi rọi cho chúng tôi thấy được rất nhiều, thấy thế mạnh của mình, sở trường của mình nhưng cũng thấy cả những nhược điểm, những khiếm khuyết, thậm chí cả những sai lầm ngớ ngẩn trong sáng tạo trước đó”.
Thay đổi để tồn tại
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, viết văn thuộc về năng khiếu trời cho, không ai dạy dỗ hay đào tạo được. Tác giả trẻ Phạm Thu Hà bày tỏ: “Tôi nghĩ ý kiến này là đúng. Chính bản thân thầy Văn Giá cũng từng nói: Nhiệm vụ của khoa là giải ảo cho người học. Tức là trước khi học, nhiều người còn mơ mộng sẽ trở thành thi - văn sĩ, nhưng sau khi học, liền tỉnh táo chuyển ngành.
Nói vui là vậy, tôi nghĩ, không chỉ văn chương nói riêng mà toàn ngành nghệ thuật nói chung cũng như những hoạt động đề cao tính sáng tạo và tài năng thì việc dạy dỗ không thể bù đắp thiếu sót bẩm sinh”. Tuy nhiên, theo tác giả trẻ này: “Thay vì coi Trường Viết văn Nguyễn Du là nơi đào tạo nhà văn, nhà thơ thì nên coi đó chỉ đơn giản là một môi trường hoàn hảo cho chính bản thân người viết rèn luyện và phát triển”.
PGS-TS Trần Đức Ngôn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, người từng có thời gian phụ trách cả Trường Đại học Văn hóa Hà Nội lẫn Trường Viết văn Nguyễn Du, cho rằng, văn hóa đọc có thể bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh của các ngành nghệ thuật khác, tuy nhiên nó không mất đi vì những giá trị riêng mà các ngành nghệ thuật nghe, nhìn không thể thay thế được.
Theo ông Trần Đức Ngôn, để việc đào tạo viết văn thích hợp hơn với xã hội hiện đại cần phải có sự thay đổi theo 2 hướng. Hướng đầu tiên là giữ nguyên sự kết hợp giữa viết văn và báo chí như đã làm từ nhiều năm nay. Sinh viên ra trường sẽ làm báo và lấy báo để nuôi văn. Hướng thứ hai chính là phát triển đào tạo sáng tác kịch bản cho các hình thức nghệ thuật nghe nhìn. Các hình thức nghệ thuật này càng phát triển, càng cần nhiều kịch bản. “Tuy nhiên, hướng đào tạo này không đơn giản, phải có sự chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn thì mới sáng tác kịch bản được”, GS-TS Trần Đức Ngôn lưu ý.
Trong vòng 40 năm, Trường Viết văn Nguyễn Du trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đến tháng 4-2012 chính thức được đổi tên thành khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Không thể phủ nhận danh tiếng, cũng như đóng góp của Trường Viết văn Nguyễn Du vào đời sống văn chương nước nhà, nhưng việc giữ mãi mô hình như cách đây 40 năm liệu có còn phù hợp khi mà đời sống thay đổi, việc tiếp nhận văn chương ngày nay cũng đã khác nhiều so với trước. |