Nếu Ukraine trở thành thành viên của EU trong lúc cuộc xung đột với Nga đang diễn ra, các nước trong khối sẽ phải tôn trọng quy định của EU về việc “phải giúp đỡ một quốc gia thành viên của khối bằng mọi cách trong khả năng của mình”.
Tình trạng xung đột là lý do một số nước trong EU viện dẫn để bác đơn xin gia nhập của Kiev. Ngoài ra, nếu Ukraine là thành viên, EU sẽ có một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, đi cùng với những vấn đề về an ninh, quốc phòng và di cư.
Ukraine là cường quốc nông nghiệp và hiện hầu hết nông sản của nước này đã bán sang EU. Một khi có tư cách thành viên, Ukraine sẽ mặc nhiên trở thành một phần của thị trường chung EU, hàng hóa không bị đánh thuế hay áp hạn ngạch.
Từ đó, nhiều người lo ngại rằng nông sản của Ukraine sẽ tràn ngập các thị trường của khối, kéo theo sự phản đối từ nông dân các nước thành viên EU khác, tạo áp lực lớn lên các chính phủ. Tranh chấp giữa Ba Lan cùng một số quốc gia với Ukraine liên quan đến ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine thời gian gần đây là tín hiệu dự báo cho những khó khăn sắp tới.
Trên bình diện xã hội, nhờ tư cách thành viên EU, hàng triệu công nhân Ukraine được hưởng lợi từ toàn bộ thị trường lao động EU. Đây là một thách thức rất lớn. Theo hãng Reuters, việc lượng lớn công nhân Ba Lan đến Anh làm việc sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004 là một trong những yếu tố dẫn đến việc Anh rời EU.
GDP bình quân đầu người của Ukraine hiện thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua. Điều này có nghĩa khi Kiev là thành viên, sẽ ngay lập tức trở thành nước được nhận tài trợ của khối để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp nước này.
Kết quả, nhiều quốc gia đang nhận tài trợ của EU sẽ trở thành bên phải đóng góp, trong khi những nước đang đóng góp sẽ phải chi nhiều hơn. Vấn đề này, 27 thành viên của EU đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.