Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng cho biết, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người (xếp 15 thế giới), trong đó tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%. Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới. “Cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là môi trường pháp lý hay gọi là “luật chơi”. Thời gian gần đây, vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự “xung đột” giữa doanh nghiệp taxi truyền thống với hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
Đại diện Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số (HSTS) Việt Nam (Bộ TT-TT) cho rằng, HSTS Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, cầu nối đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam làm sản phẩm, dịch vụ của HSTS được phát triển mạnh. Các sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp trong nước phát triển cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận.
Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG, phụ trách mảng Dịch vụ đám mây kiêm Tổng Giám đốc VinaData cho rằng, những mô hình kinh doanh mới cần phù hợp để vừa tận dụng được cơ hội, vừa vượt qua được những thách thức mà kỷ nguyên 4.0 đang đặt ra cho doanh nghiệp.
Theo đó, Internet of Things (Internet vạn vật), Dữ liệu lớn (Big Data) và Học máy (Machine Learning) sẽ là những công nghệ định hình nên tương lai, với tiềm năng ứng dụng gần như vô tận.
Đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị IoT, tương đương với mỗi người trên trái đất sẽ sở hữu tới 6 thiết bị IoT khác nhau. “Việc công nghệ thay đổi “chóng mặt”, các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện không chỉ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mà tư duy quản lý, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý... cũng cần phải cập nhật, bắt kịp thực tế. Nếu Chính phủ hành động đủ nhanh, nếu các chính sách và cơ chế theo kịp xu thế và tạo được động lực cho các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển, thì đó chính là cơ hội lớn. Nhưng ngược lại, độ trễ càng cao thì lại trở thành thách thức cho HSTS Việt Nam”, ông Vũ Minh Trí nhấn mạnh.