Đại hội cũng sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới.
Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Trong phần diễn văn khai mạc đại hội, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trước sự bùng nổ của công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội, báo chí đứng trước nhiều khó khăn. Trong khó khăn thử thách mới, đội ngũ người làm báo toàn quốc đồng lòng, chung sức để cùng nhau vượt qua.
Ông Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, đội ngũ người làm báo chủ động tăng cường trang bị những kiến thức, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh người làm báo để thích nghi.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC Trong khi đó, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đọc Báo cáo chính trị trình Đại hội XI cho thấy, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, báo chí hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân phấn đấu, thực hiện thắng lợi trên các lĩnh vực.
Những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử.
Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển nhiều loại hình báo chí, áp dụng công nghệ hiện đại. Phát thanh - truyền hình đã phủ sóng rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, một số đài phát sóng ra thế giới bằng các công nghệ tiên tiến. Số lượng người sử dụng Internet đạt hơn 73%, sử dụng mạng xã hội đạt trên 75% dân số cả nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: QUANG PHÚC Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đọc báo cáo Chính trị trình đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC Bên cạnh đó, báo chí còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là trên Biển Đông, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí, truyền thông.
Đại hội lần XI Hội Nhà báo Việt Nâm xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm quan trọng thời gian tới. Ảnh: QUANG PHÚC Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh, nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ.
Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác tự kiểm tra, giám sát ở một số cấp hội còn yếu, nhiều Ban Kiểm tra cấp hội địa phương, cơ sở hoạt động kém hiệu quả, vai trò mờ nhạt.
Dự báo trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen thách thức. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, có tính bước ngoặt. Thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá nước ta trên nhiều mặt, với nhiều hình thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và mạng xã hội vừa là cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.
Việc thực hiện quy hoạch báo chí (2020-2025) tác động nhiều mặt đến mô hình tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động của cơ quan báo chí, của tổ chức Hội nhà báo từ trung ương đến cơ sở.
Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của báo chí đối với đất nước và nhân dân.
Đại hội kêu gọi các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra.