Ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là một trong những cảng cá quy mô nhất ở ĐBSCL. Cảng cá này thu hút nhiều ghe tàu đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, hiện có 16/30 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, nguyên nhân do không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Khi nhà máy chế biến thủy sản tạm ngưng hoạt động dẫn đến các đơn vị thu mua thủy hải sản khai thác tại cảng cá Tắc Cậu cũng phải tạm dừng, do không có đầu ra và nhiều chủ tàu khai thác thủy hải sản cũng không còn đối tác thu mua sản phẩm.
Tại tỉnh Cà Mau, những ngày này các cửa biển lớn như Khánh Hội (huyện U Minh), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển)… có nhiều tàu cá vào neo đậu. Ông Trần Văn Phinh (chủ tàu cá tại cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên mặt hàng thủy hải sản khó tiêu thụ, giá giảm mạnh. Cụ thể, giá mực giảm gần 50%, các loại cá như cá đổng, cá đù… cũng giảm 20%-30%.
“Tôi có 2 tàu cá, trong đó 1 chiếc đóng theo Nghị định 67 hiện đang nằm bờ đã lâu do khai thác không hiệu quả, còn 1 chiếc nhỏ vẫn duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh làm giá thủy hải sản giảm, nghề biển bây giờ hiệu quả không cao, nhiều khi vào bờ lỗ tiền dầu”, ông Phinh than.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), hiện tàu cá ra vào cửa biển Sông Đốc giảm khoảng 30%. “Các đồn biên phòng đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát và quản lý rất chặt các tàu cá, ngư phủ ra vào cửa biển. Phương tiện, ngư phủ ngoài tỉnh khi vào cửa biển phải cam kết không lên bờ, không tiếp xúc người khác, không đi khỏi nơi ở… dẫn đến nhiều tàu cá quyết định nằm bờ luôn”, ông Khoa thông tin.
Đau đầu bài toán ngư phủ
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến các tàu cá gặp khó là thiếu lao động đi biển. Ông Phan Văn Khánh có tàu cá đang nằm bờ tại khu vực sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang, nói: “Hiện nay, do dịch bệnh nên nhiều địa phương lập các chốt kiểm soát tàu và ngư phủ vào bờ. Việc đi lại của các ngư phủ từ địa phương này sang địa phương khác rất khó khăn. Do đó, tàu của tôi vẫn còn nằm bờ, chưa tìm đủ nhân công để hoạt động”.
Bài toán thiếu ngư phủ đi biển là một trong những vấn đề nan giải kéo dài đối với rất nhiều chủ tàu cá tại ĐBSCL suốt thời gian qua. Do thiếu lao động đi biển dẫn đến tình trạng “cò” ngư phủ xuất hiện tại nhiều cửa biển ĐBSCL. Các chủ tàu cá muốn thuê được ngư phủ thì phải qua “cò”.
Qua thống kê, tỉnh Kiên Giang là địa phương có số lượng tàu khai thác thủy hải sản lớn nhất ĐBSCL. Toàn tỉnh có 9.861 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; lao động trên các đội tàu khai thác ở Kiên Giang đã và đang thiếu trầm trọng, trình độ học vấn của lao động trên biển cũng thấp, chủ yếu là tiểu học và THCS (chiếm 95%), độ tuổi lao động 18 - 50 tuổi (chiếm 69%).
Tương tự, thời gian qua, lao động khai thác thủy hải sản trên biển của tỉnh Bạc Liêu cũng luôn biến động, các tàu cá thường xuyên thiếu lao động. Nhất là đối với các tàu khai thác xa bờ, chỉ có khoảng 30% lao động là người địa phương, còn lại khoảng 70% người ở nơi khác đến.
Điều đáng lo ngại là nhiều lao động có kinh nghiệm lại bỏ nghề, số lượng lao động trẻ tiếp nối nghề thì năng lực hạn chế; đa số không muốn theo nghề biển. Các địa phương cũng ít quan tâm đến lực lượng lao động trên biển, chưa có quy định chủ tàu thực hiện các thỏa ước trong sử dụng lao động.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế đặc thù quản lý lực lượng lao động khai thác thủy hải sản trên biển, tăng cường quản lý chủ tàu ký cam kết thực hiện đúng các thỏa thuận với người lao động, đồng thời có cơ chế khuyến khích hỗ trợ lao động trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện ven biển tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ khai thác thủy hải sản, an toàn lao động; phối hợp tuyên truyền thành lập các tổ đội, hợp tác xã khai thác thủy hải sản, các nghiệp đoàn hoạt động trong lĩnh vực sau thu hoạch gắn với dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực cho khai thác thủy hải sản.