Về sự cần thiết của việc ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10-8 nêu rõ, Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Một trong các hạn chế là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Trong đó, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật Nhà nước. Trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Hình thức lộ, mất bí mật Nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động...
Chính phủ nhận định, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu này thì hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật Nhà nước được đặc biệt chú ý. Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết - tờ trình nêu rõ.
Tại dự thảo luật trình lần này, khái niệm bí mật Nhà nước được xác định rõ hơn về hình thức, nội dung và tiêu chí, là cơ sở phân biệt giữa bí mật Nhà nước với các loại bí mật khác (bí mật đời tư, bí mật công tác, bí mật nội bộ), tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Về thẩm quyền, dự thảo luật sửa đổi thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước theo hướng Thủ tướng quyết định danh mục bí mật Nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Chính phủ giải thích, việc sửa đổi nêu trên là do khái niệm bí mật Nhà nước, phạm vi bí mật Nhà nước, tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật Nhà nước mới chỉ mang tính chất khung. Do đó, danh mục bí mật Nhà nước cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện với sự tham gia của các cơ quan có liên quan và quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền để làm cơ sở áp dụng chung và thống nhất.
Đáng lưu ý, hoạt động bảo vệ Nhà nước cũng có những nội dung mới. Chẳng hạn, dự thảo đã luật hóa quy định mang bí mật Nhà nước đi công tác trong nước, đi công tác nước ngoài, về nhà riêng. Để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, đồng thời khắc phục nhược điểm Pháp lệnh năm 2000, dự thảo không quy định trách nhiệm của cán bộ đi công tác nước ngoài có mang bí mật Nhà nước phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.