Thời gian qua, tại hầu hết các kênh bán hàng online của các hệ thống siêu thị đều đạt mức tăng trưởng doanh số khá tốt. Cụ thể, tại website bán hàng trực tuyến www.coopmart.vn (thuộc Saigon Co.op), các sản phẩm bán chạy là những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh thân thể cũng như nhóm hàng thực phẩm công nghệ có thể bảo quản lâu. Lượng đơn hàng mà website này tiếp nhận tăng 4-5 lần so với thời gian trước.
Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng. Ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà.
Tương tự, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C đang tăng cường hình thức bán hàng thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Bên cạnh bán online, khách hàng có thể đặt mua hàng qua điện thoại, với đơn hàng 200.000 đồng, khách hàng cũng được giao miễn phí trong bán kính 20km.
Đại diện Tập đoàn Central Retail cho hay, sau 20 ngày triển khai thí điểm, hệ thống Big C miền Nam đã nhận được và giao 1.800 chuyến hàng, doanh số đạt hơn 2 tỷ đồng. Với kết quả khá tốt, Central Retail quyết định áp dụng mô hình bán hàng này ra nhiều địa phương trên cả nước, cũng là cách từng bước chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online.
Tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, trà sữa… cũng đang đẩy mạnh bán hàng online thông qua các website hay mạng xã hội Facebook, Zalo..., thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Nhờ vậy, doanh số cũng bớt ảm đạm trong mùa dịch bệnh.
Để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, nhiều sàn thương mại điện tử cũng chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2-2020.
Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các DN thương mại điện tử, logistics vào cuộc cũng là một trong những kịch bản được Bộ Công thương đưa ra. Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.
Cách làm này cũng cho thấy mua sắm online đang là hình thức hiệu quả nhằm đẩy mạnh sức mua, thu hồi vốn nhanh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.