Nhiều sáng kiến chống lãng phí thực phẩm

Một dự luật nhằm cắt giảm lãng phí thực phẩm vừa được Chính phủ Tây Ban Nha thông qua, trong bối cảnh báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc cho biết mỗi năm có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ.

Theo dự luật của Tây Ban Nha, tất cả công ty liên quan đến sản xuất và cung cấp thực phẩm phải có kế hoạch giảm thiểu chất thải thực phẩm, nếu không họ có thể bị phạt tới 60.000EUR và lên tới 500.000EUR nếu tái phạm. Hiện dự luật của Tây Ban Nha cần được quốc hội thông qua, và có hiệu lực vào đầu năm 2023.

    Thực phẩm hỏng hoặc hết hạn bị bỏ đi tại một siêu thị ở Anh. Ảnh: Reuters
Tây Ban Nha đang hy vọng sẽ đóng góp một phần trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu này. Bộ trưởng Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Tây Ban Nha, ông Luis Planas, cho rằng, dự luật mới sẽ nâng cao nhận thức của người dân về “hậu quả kinh tế, xã hội, môi trường và đạo đức” của rác thải thực phẩm. Ông L.Planas nói thêm rằng, luật giải quyết tất cả yếu tố của chuỗi thực phẩm, từ thu hoạch đến tận nhà hàng, siêu thị và cá nhân. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể mang về nhà các thức ăn dư thừa - một thực tế hiện không phổ biến ở Tây Ban Nha. Trên toàn Liên minh châu Âu, 

53% rác thải thực phẩm được cho là xảy ra ở cấp độ người tiêu dùng. Báo cáo gần đây của Liên hiệp quốc còn khẳng định: ngoài việc hơn 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm trên khắp thế giới, dữ liệu từ 54 quốc gia khác nhau cho thấy hầu hết các nước này đều bị phát hiện có vấn đề lãng phí thực phẩm đáng kể, bất kể là nước đang phát triển hay phát triển, nghèo hay giàu.

Một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu hiện cũng đưa ra nhiều sáng kiến chống lãng phí thực phẩm, mà điển hình là Pháp. Năm 2016, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các siêu thị vứt bỏ hoặc tiêu hủy thực phẩm không bán được. Trong những năm qua, nhiều quy định về chất thải đã được bổ sung, có cả những quy định tương tự như quy định ở Tây Ban Nha. Pháp cũng đặt mục tiêu giảm 50% chất thải thực phẩm vào năm 2025. Italy đưa ra yêu cầu đối với các công ty ở mỗi bước của chuỗi cung ứng thực phẩm để giảm lãng phí, tập trung vào việc quyên góp hoặc phân phối các sản phẩm không bán được, khuyến khích các công ty tham gia giảm thuế hơn là phạt tiền…

Riêng tại Anh, ứng dụng Winnow Vision giúp thu thập kết quả đo khối lượng các thùng đựng rác thải thực phẩm và thông tin từ nhân viên nhà bếp về loại thức ăn đã vứt bỏ. Sau đó, thuật toán phân tích dữ liệu tiến hành đánh giá lượng thực phẩm đã bị lãng phí, trên phương diện chi phí và tác động đối với môi trường. Các đầu bếp có thể sử dụng kết quả phân tích, tính đến thực đơn của nhà hàng để điều hành hoạt động một cách hiệu quả hơn. Điều này cho phép các nhà hàng cắt giảm từ 40-70% lượng thực phẩm bị bỏ phí.

Một ứng dụng khác là Too good to Go cũng khá phổ biến để giảm tình trạng vứt bỏ đồ ăn thừa. Ứng dụng này kết nối các cửa hàng với những người muốn mua đồ ăn dư thừa hoặc sắp hết hạn. Có trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch, công ty sở hữu bản quyền Too good to Go đã ký hợp đồng tại 11 quốc gia với sự tham gia của 25.000 nhà hàng và tiệm bánh. Đồ ăn được bán qua ứng dụng này có giá chỉ bằng 1/3 so với giá gốc. Đến nay, đã có hàng chục triệu người sử dụng ứng dụng Too good to Go để mua hàng giảm giá. Ứng dụng này đã lọt vào danh sách 100 ứng dụng có ảnh hưởng nhất năm 2022 của Tạp chí Time, vì công trình cung cấp giải pháp cho thách thức rác thải thực phẩm toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục