Theo đó, căn cứ số liệu xuất nhập khẩu của EU cập nhật đến tháng 6-2018, mặt hàng thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét véc ni, phủ plastic), thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) và thép tấm
mạ/tráng thiếc, crôm thuộc nhóm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3-2-2019, nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu mạnh vào EU trong những tháng tới, vượt quá 3% tỷ trọng theo quy định của EU.
Trước đó, ngày 26-3, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong EU.
Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra. Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành. Khối lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25%. Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ ngày 19-7-2018 đến 3-2-2019). Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.
Căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định Tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%),
Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm, gồm thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại, thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.
Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời được EU loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%). Tuy nhiên, trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nếu các sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3-2-2019.