Trung tâm Nghiên cứu triển khai (SHTPLabs) thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM và các doanh nghiệp liên tiếp đưa ra sản phẩm mới hướng đến thị trường. Đây là minh chứng thể hiện hiệu quả trong liên kết giữa đơn vị nghiên cứu sản xuất với doanh nghiệp trong thương mại hóa sản phẩm.
Ngày 8-3, SHTPLabs đưa ra thị trường sản phẩm mặt nạ Trio Re Bio-cellulose do đơn vị nghiên cứu phát triển. Trio Re Bio-cellulose được các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thuộc trung tâm thực hiện theo đặt hàng của Công ty TNHH Glamer Clinic để cung ứng ra thị trường.
Mặt nạ Trio Re Bio-cellulose, một trong những sản phẩm ra lò từ SHTPLabs. Ảnh: T.BA Sản phẩm được nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vật liệu mới giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết, nuôi dưỡng và cấp ẩm chuyên sâu cho da, làm dịu da sau tổn thương (mụn, trị liệu) và ngăn ngừa lão hóa da, hỗ trợ tái tạo da sau tổn thương. Theo nhóm nghiên cứu, Trio Re Bio-cellulose có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm khác. Nền (phôi) là vật liệu cao cấp ứng dụng công nghệ vật liệu mới - vật liệu sinh học Bacterial cellulose, với cấu trúc là các sợi nano cellulose đan xen thành mạng lưới, độ đàn hồi tốt, tương thích với mọi làn da, mềm mại, khả năng thấm giữ và cung cấp độ ẩm, dưỡng chất liên tục cho da.
Ngày 5-3, SHTPLabs cùng Công ty TNHH Bách Thư ký hợp đồng tiếp tục thương mại hóa 80.000 chai nước súc miệng ASIN (250ml). Là sản phẩm duy nhất trên thị trường hiện nay ứng dụng vật liệu Nano berberine được chế tạo tại SHTPLabs, đóng vai trò là chất kháng virus, nhất là kháng virus cúm A. Năm 2020, sản phẩm ASIN đã được hai bên ký kết hợp tác đưa ra thị trường (8.000 chai) nhưng sau thời gian nghiên cứu, phản hồi từ chuyên gia y tế và khách hàng, lượng đặt hàng lên đến 80.000 chai.
Ngày 8-3 cũng là dịp kỷ niệm 17 năm thành lập SHTPLabs, nơi thu hút chuyên gia đầu ngành về công tác, xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên, hợp tác quốc tế để xây dựng và triển khai các đề tài khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao. Thời gian qua, SHTPLabs đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu giá trị như “Hoàn thiện công nghệ chế tạo chip led cực tím (UVLED) cho ứng dụng diệt vi khuẩn nước sinh hoạt và đo nồng độ ozone trong không khí (hướng đến hình thành nhà máy chế tạo chip UVLED tại Việt Nam)”; “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ kit phát hiện lưu lượng kháng sinh trong thủy sản”…
Nhà khoa học trẻ nghiên cứu tại SHTPLabs Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTPLabs, song song với các hoạt động nghiên cứu, gần đây, trung tâm tập trung thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nhu cầu làm đẹp, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Giai đoạn 2013-2017, nhiều sản phẩm nghiên cứu ra đời và đi vào thương mại hóa trên thị trường như: sản phẩm sinh học kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng Enrofloxacin trong thủy sản; sản phẩm Diode FRED tần số; kem dưỡng trắng da…
SHTPLabs đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, là cấu nối giữa các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp, đưa nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn. “Năm 2021, việc thực hiện đồng thời 6 đề tài của Sở KH-CN TPHCM về nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ vi cơ điện tử (MEMS), công nghệ nano, công nghệ sinh học cho TPHCM; 2 đề tài hợp tác quốc tế do Chính phủ Anh, Australia tài trợ để SHTPLabs hợp tác phát triển các công nghệ nguồn với đối tác là các trường đại học nổi tiếng tại Anh, Australia, SHTPLabs hứa hẹn có nhiều sản phẩm công nghệ cao được thương mại hóa”, ông Kế Thành cho biết.
TẤN BA