Tại phòng khám Raffles Medical (167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), trực thuộc Công ty TNHH Sức khỏe trọn đời tại TPHCM. Đoàn kiểm tra ghi nhận phòng khám trang thiết bị đầy đủ, phòng bệnh sạch sẽ, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, giá khám khá cao, bình quân trên 2 triệu đồng/ một lượt khám cơ bản 30 phút.
Kiểm tra phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi (277, Nguyễn Trãi, quận 1). Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám không có bác sĩ làm việc, sổ sách ghi chép bệnh án ghi không đầy đủ thông tin, không đủ hồ sơ theo dõi, sai quy chế. Các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Đặc biệt, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động nhưng chỉ có bệnh án, đơn thuốc bằng tiếng Việt mà không có bệnh án được ghi bằng tiếng Trung. Bộ phận xét nghiệm thiếu và yếu, các bác sĩ khám bệnh tại các khoa chuyên môn hầu như vắng mặt. Lý giải về tình trạng này, đại diện phòng khám cho biết: do nhân viên lễ tân còn mới, chưa được tập huấn đầy đủ nên vẫn còn nhiều sai sót, không biết ghi chép mấy ngày qua một cách cụ thể, chỉ khi khám bệnh thì bác sĩ mới ghi chép chi tiết hơn. Trước lý do đó của phòng khám, đoàn đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ 10 bộ hồ sơ bệnh của 1 trước đó (ngày 26-4 – PV). Tuy nhiên, phòng khám đã mất nhiều thời gian để tìm và đưa ra những tư liệu được yêu cầu. Kết quả cho thấy toàn bộ 10 hồ sơ bệnh án cũng chỉ ghi họ tên của bệnh nhân, không có địa chỉ; thiếu thông tin chung về khám ban đầu, lý do và những triệu chứng đến khám bệnh... Nghiêm trọng hơn là không có chỉ dẫn hoặc thông tin phác đồ điều trị.
Bức xúc trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế TPHCM giám sát chặt, xử lý vi phạm tại phòng khám này và tuyệt đối yêu cầu phòng khám chỉ được thực hiện các kỹ thuật Sở đã phê duyệt, không thực hiện quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật không được phép.
Chiều cùng ngày, sau buổi kiểm tra các phòng khám tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác quản lý y tế trên địa bàn. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong năm 2016 Sở Y tế đã thanh tra 8.622 cơ sở, trong đó có 790 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt lên đến gần 10 tỷ đồng. Tiến hành kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính, tước giấy phép hoạt động 4 cơ sở. Triển khai kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì cả 14 cơ sở vi phạm trong đó có 2 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2017, ngành y tế TPHCM đã tiến hành 35 cơ sở, trong đó có 34 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ngành y tế TPHCM cũng đánh giá, hoạt động của các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nước ngoài hiện còn nhiều sai phạm. Việc chấp hành pháp luật một bộ phận người hành nghề, các doanh nghiệp chưa nghiêm. Cá biệt có những cơ sở đã bị xử lý phạt tiền nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Thậm chí có cơ sở đang trong thời gian đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành mà vẫn lén lút hoạt động, thông qua việc quảng cáo trên internet và giao dịch với bệnh nhân thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, có trường hợp người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh nhưng không đăng ký, sử dụng người phiên dịch không đúng với nhân sự đã đăng ký đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép. Có cơ sở khám chữa bệnh không có người phiên dịch có văn bằng chuyên môn về y tế hoặc bằng chuyên môn được làm giả. Khi đoàn kiểm tra đến, có cơ sở sử dụng bác sĩ Trung Quốc nhưng không hợp tác với đoàn mà né tránh, trốn khỏi phòng khám…