Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Viện KHLNNTT-TN) được UBND tỉnh Lâm Đồng giao quản lý sử dụng 454,1ha (trong đó có 453,2 đất lâm nghiệp) thành lập năm 2013 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng và Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Thiện Nghiệp thuộc Phân viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ.
Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đơn vị này đã để xảy ra loạt sai phạm liên quan quản lý đất đai, bảo vệ rừng.
Theo hồ sơ thu thập được, cơ quan chức năng phát hiện loạt sai phạm Viện KHLNNTT-TN. Trong đó, quá trình hoạt động, đơn vị này không lập các thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 955m2 chồng lấn tại phường 5, TP Đà Lạt, không lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi bị Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi công nhưng đơn vị này không chấp hành và tiếp tục hoàn thiện công trình trên đất rừng.
Ngoài ra, Viện KHLNNTT-TN đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng, để các hộ gia đình, cá nhân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong thời gian dài mà không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý với tổng diện tích gần 6ha.
Bên cạnh đó có 29,69ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, san ủi để sản xuất nông nghiệp, làm nhà kính, nhà lưới. Đặc biệt, trong số này có trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn, Trạm trưởng Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Lâm Viên (thuộc Viện KHLNNTT-TN lấn chiếm 0,99ha). Ngoài ra còn có 40 vị trí xây dựng nhà xây, nhà chòi, làm đường bê tông trên đất lâm nghiệp trong phạm vi đơn vị quản lý.
Liên quan quá trình sử dụng đất tại khu vực rừng thuộc Viện KHLNNTT-TN, cơ quan chức năng xác định UBND TP Đà Lạt đã cấp 140 trong tổng số 147 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 20,84ha không đúng theo quy định của Chính phủ. Trong đó, có 20 trường hợp là cán bộ lãnh đạo, công nhân của Viện KHLNNTT-TN với diện tích 6,975ha. Điều này đã vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, có nguy cơ thất thoát về tài sản nhà nước và khó khắc phục.
Bên cạnh đó, tháng 8-2023, TP Đà Lạt đã có văn bản đề nghị điều chỉnh khoảng 45ha đất đang sản xuất nông nghiệp trong diện tích giao cho Viện KHLNNTT-TN quản lý ra khỏi đất rừng là có dấu hiệu hợp thức hóa việc lấn chiếm, phá rừng của các hộ dân.