Ngày 4-10, Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế Chế tài trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo tập trung trao đổi về chế tài trong xử phạt VPHC, kinh nghiệm trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật xử lý VPHC; so sánh hệ thống pháp luật về chế tài trong xử phạt VPHC ở Việt Nam và một số quốc gia; thảo luận những ý tưởng góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC và các văn bản liên quan.
Trốn thuế gần 100 triệu chỉ bị phạt tiền, trộm 2 triệu đồng lại ngồi tù
Về tình hình VPHC, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hiện nay có khoảng 300.000 hành vi bị coi là VPHC. Hàng năm, các cơ quan chức năng xử phạt trên 3 triệu vụ VPHC.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, luật cần định nghĩa chính xác về VPHC, trong đó ghi rõ: VPHC có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng không đáng kể. Nếu VPHC có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng không đáng kể thì cần tội phạm hóa những hành vi không thuộc loại này. Khi đó, VPHC sẽ đúng với bản chất của nó.
Cụ thể, đối với những hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao, cần thiết phải phạt tiền ở mức cao hoặc áp dụng tịch thu tài sản (tang vật, phương tiện) thì có thể nghiên cứu, “chuyển hóa” thành các cấu thành tội phạm cụ thể để quy định trong Bộ Luật Hình sự, xét xử tại Tòa án theo thủ tục tư pháp.
Ông Nguyễn Cảnh Hợp dẫn chứng, nhiều hành vi đang được quy định, “núp dưới bóng” là VPHC và “thoát” khỏi trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, Bộ luật Hình sự quy định, trốn thuế ở mức 100 triệu đồng trở lên mới là tội phạm; như vậy, trốn thuế dưới 100 triệu đồng chỉ là VPHC.
Theo ông Nguyễn Cảnh Hợp, trốn thuế dưới 100 triệu đồng mà chỉ là VPHC thì chưa đúng về trách nhiệm. Những hành vi này cần được tội phạm hóa, vì đây thực chất là chiếm đoạt tài sản của nhà nước.
“100 triệu đồng là lớn gấp 50 lần so với hành vi trộm cắp 2 triệu đồng. Trong khi trộm 2 triệu đồng thì bị xử lý hình sự, còn trốn thuế gần 100 triệu lại chỉ bị xử lý VPHC là không thỏa đáng”, ông Nguyễn Cảnh Hợp so sánh.
Đồng thời với tội phạm hóa các VPHC có tính chất nguy hiểm cao thì cần phải hành chính hóa các hành vi tội phạm mà tính nguy hiểm cho xã hội là không đáng kể, đưa chúng trở về với tính chất của nó là VPHC. Ví dụ, tội trộm cắp tài sản với giá trị 2 triệu đồng là hành vi có tính chất nguy hiểm không đáng kể.
Đặc biệt, luật cần có những điều khoản tương thích với trách nhiệm hành chính, chứ không phải là xử phạt hành chính. Cần quy định rõ, cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm hành chính khi có lỗi trong việc thực hiện VPHC.
Cần giao thẩm phán xử lý VPHC có mức phạt cao
Để đảm bảo khách quan, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp đề nghị, cần nghiên cứu để áp dụng thủ tục tư pháp khi xử phạt những VPHC có mức phạt cao. Ông Nguyễn Cảnh Hợp phân tích, so với tội phạm, rất nhiều những VPHC có mức tiền phạt cao, giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu rất lớn; việc áp dụng chế tài xử phạt VPHC có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản của cá nhân, tổ chức, nhưng lại chỉ bị xử lý theo trình tự, thủ tục hành chính mà không theo thủ tục tư pháp.
Không giống như cơ chế xét xử tại tòa án theo thủ tục tư pháp, việc xử phạt VPHC chỉ do một người thực hiện (người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt VPHC), lại không có thủ tục xem xét lại tính đúng, sai của quyết định (như phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án). Do vậy, có thể có những sai sót không được phát hiện ra.
“Sẽ vô lý khi xử phạt hành chính với mức hàng trăm triệu đồng, thậm chí phạt đến 2 tỷ đồng lại do một người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính thực hiện, và theo thủ tục hành chính, không công khai, không tranh tụng… Trong khi xử phạt hình sự chỉ có mấy triệu đồng (khi phạt tiền là hình phạt chính) thì lại phải do thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành theo thủ tục hình sự rất chặt chẽ, công khai, tranh tụng, bảo đảm suy đoán vô tội, bình đẳng trước pháp luật và trước tòa án, xác minh thu thập chứng cử đầy đủ, có sự tham gia của người bào chữa và cả Viện kiểm sát”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp so sánh.
Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, nên cân nhắc có quy định giao cho tòa án, mà cụ thể là thẩm phán, xử lý các vụ VPHC có mức tiền phạt cao nhưng theo thủ tục rút gọn, giống như nhiều nước đã quy định, bởi không thủ tục nào chặt chẽ và bảo đảm khách quan hơn thủ tục tố tụng tư pháp.
Mức phạt không thống nhất, vừa gây bức xúc, vừa gây tùy tiện
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nêu tình trạng cùng một hành vi VPHC nhưng lại được quy định ở nhiều nghị định xử phạt trong lĩnh vực chuyên ngành khác nhau với mức tiền phạt khác nhau. Ví dụ, hành vi xả rác nơi công cộng, có Nghị định phạt từ 300.000-400.000 đồng, có Nghị định phạt 5-7 triệu đồng, có Nghị định phạt 1-2 triệu đồng. Hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định có Nghị định phạt từ 100.000-300.000 đồng, có Nghị định phạt từ 1-3 triệu đồng. Hành vi gây mất trật tự tại sân bay, có Nghị định phạt từ 100.000-300.000 đồng, có Nghị định phạt từ 3-5 triệu đồng.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, việc quy định không thống nhất, khác nhau về mức tiền phạt đã gây ra sự xung đột pháp luật, dẫn tới tình trạng cùng thực hiện một hành vi vi phạm nhưng hai đối tượng lại bị xử phạt hai mức tiền khác nhau, nhiều khi chênh lệch khá lớn, gây bức xúc cho người vi phạm và dư luận như thời gian qua đã xảy ra. Bên cạnh đó, điều này cũng gây ra lúng túng và sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Một bất cập khác là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Ngay cả khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thì cũng khó khăn, không thực hiện được. Ví dụ như biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức, vì nhiều trường hợp không có tài khoản, hoặc không cung cấp số tài khoản thì việc truy tìm tài khoản cá nhân, tổ chức cũng khó khăn, mất thời gian, thậm chí có biết được tài khoản cũng không khấu trừ được do tài khoản không có tiền, tiền không đủ để khấu trừ.
Bà Phan Thị Bích Thuận đề nghị, cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá tác động của chính sách, xem xét, nhận định về giá trị các kết quả đạt được khi ban hành và thực thi một chính sách. Cần đánh giá những quy định pháp luật có phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hay không và chúng được vận dụng như thế nào trên thực tế.
Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đề nghị, cần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quy định về hành vi VPHC. Theo quy định, chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định về hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt… Tuy nhiên, xử phạt VPHC là một lĩnh vực rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM phát sinh một số hành vi mang tính chất đặc thù như câu cá trên kênh rạch nội đô, sử dụng container làm nhà ở… nhưng chưa được quy định trong các Nghị định xử phạt chuyên ngành nên không thể xử lý được, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, mỗi địa phương, tùy thuộc vào tính chất vùng, miền, vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội… mà phát sinh hành vi VPHC khác nhau. Do đó, cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc cho phép chính quyền địa phương quy định về hành vi VPHC, trước mắt là trong các lĩnh vực “nóng” như xây dựng, giao thông, môi trường…