Trong đó, có trách nhiệm cá nhân của bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp, nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy).
Dự án gần 22 năm vẫn dang dở
Năm 1996, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương cho Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) lập DA Khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất thuộc phường Tân Biên, TP Biên Hòa trên diện tích gần 1,6ha, được phân thành 121 lô đất nền cấp cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) của nhà máy và Sở Công nghiệp chưa có nhà ở ổn định để tự xây nhà. Mỗi người được cấp đất đã đóng bình quân 11 triệu đồng cho sở để làm hạ tầng.
Đến năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở cho 115 hộ CBCNV với mục đích sử dụng lâu dài. Thế nhưng sau khi đóng tiền, các hạng mục như xây dựng đường sá, nước, điện cho người dân vẫn không được thi công nên “cực chẳng đã” người dân lại tự bỏ tiền túi để kéo điện, nước về phục cuộc sống hàng ngày. Đến nay, sau gần 22 năm, DA vẫn dang dở, người dân phải đi lại trên con đường lầy lội đầy ổ gà mỗi khi trời mưa, chỉ vì một phần nguồn tiền đã bị sử dụng sai mục đích là đem gửi ngân hàng, góp vốn trái phép, chi bồi dưỡng, thưởng tết cho cán bộ… mà không được sử dụng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Không những thế, sở còn quản lý lỏng lẻo, để nhiều hộ dân lấn chiếm, xà xẻo đất công vốn được quy hoạch để làm đường, bồn nước.
Đường trong khu dân cư lầy lội dù tiền đã được đóng góp từ hơn 20 năm qua
Bà Ninh Thị Lan (42 tuổi, trú tại khu phố 9, phường Tân Biên, TP Biên Hòa) được dân trong khu DA bầu làm đại diện, tâm sự: “Cách đây hơn 20 năm, số tiền thu mỗi hộ dân là 11 triệu đồng, là một tài sản lớn, bởi khi đó lương của công nhân chúng tôi chỉ từ 350.000 - 450.000 đồng/tháng, để có nhà ở thì công nhân đã phải vay mượn hoặc tích cóp trong nhiều năm liền để đóng tiền cho Sở Công nghiệp thực hiện DA”.
9 cá nhân bị quy trách nhiệm
Từ đơn kêu cứu các hộ dân, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc và phát hiện ra hàng loạt sai phạm của Sở Công nghiệp về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ như: Ban hành quyết định cấp nhà, đất cho một số đối tượng trước khi được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện DA; không có văn bản quy định tiêu chuẩn xét duyệt, biên bản xét duyệt đối với những trường hợp được giao đất của DA; một số hạng mục đường giao thông nội bộ thi công chưa hoàn thành và cũng không tổ chức thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng…
Nhưng sai phạm nổi cộm nhất chính là việc quản lý thu chi của DA. Cụ thể, tổng số tiền thu từ DA là hơn 1,42 tỷ đồng, trong đó tiền của các hộ dân đóng góp là 1,26 tỷ đồng, còn lại là tiền thanh lý tài sản của Nhà máy dệt Thống Nhất.
Tổng số tiền đã chi đến thời điểm thanh tra là hơn 742 triệu đồng, trong đó có hơn 80 triệu đồng không đầy đủ phiếu chi và chứng từ gốc; tổng số tiền tồn của DA là 670 triệu đồng, được gửi tiết kiệm tại Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai từ tháng 6-2003 đến tháng 10-2006, gộp cả lãi là hơn 874 triệu đồng; sau đó số tiền này được rút về, quản lý tại quỹ cơ quan.
Từ tháng 2-2011 đến nay, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Tính chung, tổng số tiền tồn của DA tính từ tháng 6-2003 đến ngày 6-2-2017 là hơn 1,36 tỷ đồng, gồm 1,233 tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Đồng Nai và hơn 127 triệu đồng, chênh lệch lãi tiền gửi tại Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai. Toàn bộ các khoản thu, chi kinh phí của DA từ năm 2006 - 2016 đều không được ghi chép, hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán, biểu mẫu và báo cáo tài chính của Sở Công thương theo quy định. Tiền của DA gửi ngân hàng đứng tên bà Tô Thị Hồng Trang, kế toán trưởng của Sở Công thương!
Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chỉ rõ, để xảy ra sai phạm về tài chính như trên, trách nhiệm trực tiếp là của các kế toán trưởng Sở Công nghiệp, gồm bà Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Diệu và Tô Thị Hồng Trang. Còn trách nhiệm liên quan đến các thủ tục xây dựng, quản lý sử dụng đất thuộc về 3 cán bộ, gồm ông Võ Văn Tỉnh (Chánh Thanh tra Sở Công nghiệp thời kỳ 2004 - 2007), ông Phạm Văn Dũng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai) và ông Trần Cao Anh Tú (Tổ trưởng Tổ Giám sát của Trung tâm Tư vấn công nghiệp thời kỳ 2004 - 2007).
Nhưng trên hết là trách nhiệm của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Sở Công nghiệp, gồm ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc sở thời kỳ từ 1998 - 2003), bà Phan Thị Mỹ Thanh (Giám đốc sở thời kỳ 2003 - 2007) và ông Phạm Văn Quan (Phó Giám đốc sở thời kỳ 2005 - 2007).
Trong đó, đáng chú ý là khi nhận bàn giao từ ông Sáng, bà Thanh khi đó đang là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ DA, nhưng khi lên giám đốc, bà Thanh vẫn tiếp tục chỉ đạo triển khai DA, đồng thời tại các biên bản bàn giao giữa lãnh đạo các thời kỳ đều không thể hiện nội dung bàn giao hồ sơ và kinh phí DA.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng kế toán trưởng Tô Thị Hồng Trang bị buộc trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 127 triệu đồng (là khoản tiền chênh lệch giữa lãi tiền gửi Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai với số tiền lãi theo báo cáo của Sở Công thương).
Dư luận cũng rất thắc mắc, mặc dù sai phạm đã rành rành nhưng trong các biện pháp xử lý sau thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ nói chung chung về kiểm điểm, xử lý cán bộ mà không có đả động đến việc kiến nghị cấp trên xem xét, kiểm điểm bà Phan Thị Mỹ Thanh (hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy) là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý?
Cũng chính vì kết luận thanh tra còn nhiều điều người dân chưa đồng tình nên ngày 27-8 bà con trong khu nhà ở Nhà máy dệt Thống Nhất tiếp tục có đơn kêu cứu. Họ mong muốn cơ quan chức năng có câu trả lời xác đáng về việc cấp đất cho một số người không thuộc đối tượng được cấp đất; con đường dẫn vào khu dân cư có trong quy hoạch hay không, nếu có tại sao lại nhỏ hẹp như hiện nay? Liệu có vấn đề thu hẹp diện tích các thửa đất để dồn đất cho đối tượng khác? Việc chi trả cho người dân số tiền mà họ đã kéo đường điện sinh hoạt, xử lý đồng bộ phần đất bị lấn chiếm còn lại của DA trong đó có diện tích lấn chiếm lô A47 và phần đặt vị trí giếng khoan bị bao chiếm như thế nào...