* PV: Năm học 2019 - 2020 đã thực hiện SGK mới lớp 1, vậy liệu có kịp không, thưa ông?
- GS NGUYỄN MINH THUYẾT: Theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới mà Bộ GD-ĐT đã công bố thì năm học 2019 - 2020 triển khai SGK mới ở lớp 1; năm học 2020 - 2021: lớp 2 và 6; năm học 2021 - 2022: lớp 3, 7 và 10; năm học 2022 - 2023: lớp 4, 8 và 11; năm học 2023 - 2024: lớp 5, 9 và 12. Bộ GD-ĐT cũng đã thông tin, từ năm 2024, việc đổi mới thi THPT quốc gia mới tiến hành để tương thích với việc triển khai chương trình, SGK GDPT mới.
Hiện việc xin ý kiến chuyên gia, nhân dân về chương trình môn học đã hoàn thành. 25 Hội đồng thẩm định các môn học đã thông qua, Ban soạn thảo đã biên tập kỹ thuật, chuyển Bộ GD-ĐT để xem xét ban hành. Hy vọng tháng 9, 10 sẽ ban hành chương trình môn học. Về SGK, qua nghe ngóng tình hình tôi được biết khi bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 19-1), thì các Nhà xuất bản (NXB) rất nhạy bén, đã viết rồi, khi có chương trình môn học chính thức thì họ sẽ đối chiếu và chỉnh sửa, in sách. Vì thế chắc kịp vì lớp 1 chỉ có 6 môn. Làm những việc lớn này thì phải gối lên nhau mới kịp tiến độ.
Còn có chắc triển khai kịp ngay năm học 2019 - 2020 không thì tôi không chắc, vì theo Nghị quyết 88 thì cuối năm nay Bộ GD-ĐT sẽ phải báo cáo Quốc hội về tình hình chuẩn bị, nghe ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó Bộ trưởng xin ý kiến của Chính phủ thì lúc đó mới triển khai được. Vừa qua, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn còn phân tán như thế thì để triển khai ngay từ năm học 2019 - 2020 phải có quá trình thuyết phục. Tôi hoàn toàn yên tâm về chương trình, còn về SGK thì thú thật chưa biết thế nào.
* Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới GDPT nêu rõ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, phiên họp mới đây nhất của UBTVQH lại có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên thực hiện một bộ SGK?
- Khi ý kiến của UBTVQH vẫn còn phân tán như thế thì tôi rất ngạc nhiên, vì Nghị quyết Quốc hội đã ban hành rồi mà còn ý kiến phân vân như vậy. Dĩ nhiên, ý kiến phân vân từ thực tiễn không bao giờ là không có. Về mặt thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội có thể sửa Nghị quyết 88 nếu cần thiết, nhưng quy trình để ban hành nghị quyết mới sẽ rất lâu, và nếu định như vậy thì cũng phải bàn bạc trong UBTVQH.
Tôi cho rằng, bất cứ ai, từ người có thẩm quyền cao nhất đến người dân bình thường đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành rồi, nếu sửa phải có quy trình, phải theo pháp luật, và đặc biệt phải tuân theo xu thế của thế giới. Thế giới là 1 chương trình nhiều bộ SGK, chúng ta không thể khăng khăng 1 chương trình, 1 bộ SGK được. Nghị quyết 88 của Quốc hội là nhằm tạo điều kiện để huy động trí lực trong xã hội viết SGK để phát triển giáo dục, các nhóm tác giả sẽ cạnh tranh nhau để làm ra những bộ SGK có chất lượng. Trên thế giới, thậm chí giáo viên có quyền viết SGK, miễn là phải tuân thủ theo chương trình. Nhiều SGK sẽ có nhiều phức tạp, nhưng không thể vì sợ phức tạp mà chúng ta không làm.
* Với chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại thì sao, liệu có thành bộ SGK trong chương trình GDPT mới?
- Tôi tôn trọng mọi sự khác biệt. Vì nếu trong cộng đồng mà không tôn trọng sự khác biệt thì dễ sinh chuyện mất đoàn kết, thậm chí chiến tranh cũng từ đó mà ra. Tôi từng đọc về cuộc tranh cãi khi ăn trứng nên đập trứng phía đầu to hay đầu nhỏ, chuyện tưởng nhỏ vậy nhưng tranh cãi lớn đến mức suýt dẫn đến chiến tranh. Quan điểm của tôi dạy chương trình mới là tôn trọng sự khác biệt, miễn chương trình ấy không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.
* Tới đây thực hiện nhiều bộ SGK nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chủ trì biên soạn một bộ. Các NXB không thể cạnh tranh với NXB Giáo dục, vì tâm lý phụ huynh sẽ thiên về chọn sách của Bộ GD-ĐT, ông bình luận gì? Vẫn có những mệnh lệnh hành chính khiến phụ huynh phải mua sách theo yêu cầu của nhà trường, hạn chế cách nào?
- Mong muốn của chúng ta là có sự cạnh tranh lành mạnh để có các bộ SGK chất lượng, nhưng chắc chắn là không thể tránh khỏi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, dìm hàng nhau. Để có không khí cạnh tranh lành mạnh thì phải có những quy định chặt chẽ. Chúng ta cần làm đúng quy định của Nghị quyết 88, đó là nhà trường được lựa chọn SGK, nhưng phải dựa trên ý kiến của tổ chuyên môn, như vậy SGK không phải do sở GD-ĐT, do hiệu trưởng chọn. Chuyện các NXB đi vận động để đưa SGK vào trường chắc chắn là có, nhưng để hạn chế thì phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội, đó là lựa chọn SGK trên cơ sở ý kiến của tổ chuyên môn.
Việc trường năm nay học bộ này, năm sau học bộ khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Hoặc nghiêng về SGK của Bộ GD-ĐT là có thể có, nhưng vấn đề là các NXB chọn được tác giả viết SGK nào. Phân phối SGK từ trên dội xuống là không đúng. Mua sách là lựa chọn tự nguyện của người học, không được áp đặt. Đó là những vấn đề mà Bộ GD-ĐT sẽ phải có quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực.
Trên thế giới, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, giáo viên có quyền tổng hợp. Còn ở ta có thực tế trên sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cứ cầm tay chỉ việc…
* Kinh phí để làm chương trình, SGK phổ thông mới khá lớn khiến dư luận không khỏi hoài nghi?
- Cũng có ý kiến cho rằng các ông chỉ nghĩ dự án để ăn tiền, nhưng tôi phải tâm sự thật, có phải 80 triệu USD chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu. Toàn bộ nguồn kinh phí của chương trình đổi mới GDPT là vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên họ quản lý và giám sát tài chính rất chặt chẽ. WB đề nghị trả lương cho những người làm chương trình và từng khoản chi đã được làm rõ ngay từ khi khởi động dự án. Tổng số tiền cho chương trình đổi mới SGK là 144 tỷ đồng, tưởng nhiều nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và chỉ bằng 600m đường cao tốc Bắc - Nam.
* Cảm ơn ông!