Chậm giao sổ đỏ, sẽ bị phạt 1 tỷ đồng
Lâu nay, có rất nhiều dự án khách hàng đã thanh toán gần 100% giá trị bất động sản nhưng nhiều năm sau vẫn không được chủ đầu tư ra sổ hợp pháp. Nguyên nhân, không ít chủ đầu tư dự án cầm sổ của dân thế chấp ngân hàng, hoặc nợ tiền thuế đất, chưa hoàn thành các hạn mục dự án nên không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, gây chậm tiến độ so với thỏa thuận trong hợp đồng.
Hầu hết các nguyên nhân chậm bàn giao sổ là lỗi của các chủ đầu tư. Dù theo luật, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, thế nhưng chủ đầu tư chây ì, nên nhiều khách hàng đã phải tự đứng ra nộp hồ sơ, nhưng bị cơ quan nhà nước từ chối. Nguyên nhân, chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục của dự án. Thậm chí, có trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án ở ngân hàng nên không làm sổ được.
Trong khi đó, theo quy định, nếu khách hàng đã thanh toán đủ tiền 100% giá trị hợp đồng là chủ đầu tư phải làm sổ đỏ cho người dân. Tại khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà cho người mua, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện đi làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ.
Tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ, nếu quá thời hạn quy định, chủ đầu tư sẽ bị phạt từ 250-300 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt trên chưa đủ để răn đe chủ đầu tư. Do vậy, với Nghị định số 91/2019/NĐ- CP ngày 19-11-2019 (thay thế Nghị định số 102/2014/ NĐ-CP ngày 10-11-2014) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-1-2020, nâng mức xử phạt về chậm làm sổ đỏ lên gấp nhiều lần. Cụ thể, nếu chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ cho dân từ 12 tháng trở lên, có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.
Phân lô, bán nền sai bị phạt nặng
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lập dự án ma (không lập dự án, không được cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp tỉnh cho phép) như Alibaba để lừa bán cho khách hàng với số lượng lớn, đã bị xử lý hình sự, thì có rất nhiều người dân tự phân lô bán nền không đúng quy định, chậm bàn giao nền đất cho khách hàng cũng được quy định mức phạt nặng trong nghị định mới này.
Cụ thể, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hoặc đủ các điều kiện quy định nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép, sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, phạt 20 - 50 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5ha; phạt 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 - 1ha; phạt 100 - 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 - 3ha; phạt 200 - 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3ha trở lên.
Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp trên là buộc làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền nếu dự án chưa có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh theo quy định.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với trường hợp không đủ điều kiện, chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp không đủ điều kiện quy định. Chủ đầu tư còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.