PHÓNG VIÊN: Thưa ông, những tác hại phổ biến nào Deepfake có thể gây ra?
Ông HỒ MINH ĐỨC: Tác hại của video Deepfake rất nhiều. Đầu tiên, công nghệ Deepfake có thể được sử dụng để tạo video hoặc hình ảnh nhằm lan truyền thông tin giả, sai lệch, nhằm mục đích tung tin đồn thất thiệt hoặc thao túng dư luận, dẫn đến bất ổn xã hội hoặc bất ổn chính trị. Bắt nạt trên mạng cũng là một tác hại của Deepfakes, vì kẻ xấu tạo hình ảnh hoặc video giả mạo để phát tán trực tuyến, dẫn đến hành vi quấy rối hoặc sỉ nhục. Video đó cũng có thể được sử dụng để tống tình hoặc tống tiền. Thao túng chính trị là một nguy cơ từ Deepfake, do đối tượng xấu sử dụng để tạo video hoặc hình ảnh giả mạo các nhà lãnh đạo quốc gia hoặc nhân vật nổi tiếng nhằm làm mất uy tín của họ hoặc thao túng dư luận.
Công nghệ Deepfake AI đang được cải tiến không ngừng, ông có những dự báo nào?
Công nghệ luôn phát triển không ngừng, cùng với đó là năng lực tính toán của AI ngày càng được nâng cao sẽ giúp các video Deepfake ngày càng giống thật hơn. Do đó, thách thức với các công ty công nghệ hiện nay là tạo ra những công nghệ phát hiện ra Deepfake nhanh hơn, chính xác hơn.
Xử lý vấn nạn Deepfake đang là trăn trở với hầu hết quốc gia. Vậy trên thế giới, họ xử lý việc này ra sao?
Dù xuất phát của Deepfakes là được sử dụng cho mục đích giải trí hoặc sáng tạo, nhưng khi bị kẻ xấu lạm dụng đã gây ra những lo ngại về đạo đức và pháp lý, nên một số quốc gia đã đưa ra luật để giải quyết các vấn đề về Deepfake. Năm 2019, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Báo cáo Deepfake, yêu cầu Bộ An ninh Nội địa đưa ra các báo cáo hàng năm về việc sử dụng deepfake và các công nghệ tương tự khác. Năm 2019, Trung Quốc đưa ra luật mới, hình sự hóa việc sản xuất và phân phối Deepfake “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, phá vỡ ổn định xã hội hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Mạnh mẽ trong xử lý vấn đề này nhất phải nói đến Hàn Quốc. Năm 2020, Hàn Quốc đã thông qua luật hình sự hóa việc phát tán Deepfake gây hại cho các cá nhân, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm trả thù hoặc bắt nạt trên mạng.
Năm 2021, Liên minh châu Âu đã đề xuất các quy định yêu cầu các công ty xóa nội dung giả và nội dung bất hợp pháp trong vòng một giờ sau khi được chính quyền thông báo. Cùng năm, Australia đã đưa ra Dự luật sửa đổi Bộ luật Hình sự (Chống tội phạm doanh nghiệp), bao gồm các điều khoản hình sự hóa việc sử dụng Deepfake để lừa dối hoặc gây hiểu nhầm…
Việc các nước trên thế giới đã có các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng Deepfake là cơ sở để chúng ta có thể tìm hiểu, vận dụng phù hợp với pháp luật Việt Nam.