Tọa đàm nhằm giúp người dân có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng khai thác và sử dụng nước ngầm ở TPHCM. Đồng thời tìm các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ kịp thời nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố.
Tham dự có ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã Hội, HĐND TPHCM; ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc SAWACO, ông Nguyễn Văn Đắng, Phó tổng giám đốc SAWACO; bà Lý Việt Trung, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM.
Phát biểu tại tọa đàm, bác sĩ Cao Ngô Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, năm 2015 HCDC đã lấy mẫu 1.400 mẫu giếng khoan, sau khi xét nghiệm, tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2-5%. Riêng năm 2021, xét nghiệm 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Trong đó các quận: 12, Bình Tân, Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước không đạt rất cao.
Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa TPHCM), từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m³/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt, các quận ngoại thành như: Gò Vấp, Tân Bình, mực nước ngầm đã xuống tới 40m so với mặt đất. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều. Ngoài ra, tình trạng khai thác nước ngầm còn dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và quận Tân Bình.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Sawaco cho biết, hiện nay đơn vị đảm nhận cung cấp nước hầu hết tại TPHCM, trừ địa bàn huyện Củ Chi, sản lượng cung cấp 1,9 triệu m³/ngày, trong đó sản lượng nước ngầm chiếm 3%. Theo chủ trương của TPHCM, Sawaco đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm.
Điểm khó khăn trong việc cấp nước hiện nay, dù đơn vị ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân, nhưng nhiều hộ được gắn đồng hồ nước lại không sử dụng. Theo Sawaco, tháng 2-2022, TPHCM có 1.534.000 đồng hồ. Trong đó, có 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, các quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12. Ngoài ra, cả thành phố có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0–4m³ nước.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã Hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhấn mạnh, nguồn tài nguyên nước không phải vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm thì trong tương lai sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay có những địa phương có đến vài chục ngàn giếng khoan.
Ông Cao Thanh Bình cho biết, để làm tốt công tác giảm khai thác nước ngầm thì Công tác tuyên truyền rất quan trọng. “Hiện nhiều người dân còn suy nghĩ tiết kiệm phần nào hay phần đó, nếu chúng ta tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, chất lượng nước ngầm, tôi tin người dân sẽ chọn phương án sử dụng nước sạch. Nhiều trường hợp dân sử dụng nước ngầm để chăn nuôi, tưới tiêu, nếu chúng ta tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp tận dụng nước mưa, vừa giảm ngập nước, vừa sử dụng nước mưa hiệu quả, đồng bộ các giải pháp sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo điều 9, Nghị định số 36/2020, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 2 m³/giây trở lên thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 110-140 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. |