
Đợt khai quật kéo dài 1 tháng đã mở 6 hố khai quật và 8 hố kiểm tra trên diện tích hơn 60m². Kết quả cho thấy nền móng Đại Cung Môn có mặt bằng hình chữ nhật, dài 23,72m, rộng 12,48m, bao gồm 5 gian và 6 hàng cột. Hệ thống móng bó, trụ móng và dấu vết bậc cấp phía trước – sau được phát lộ rõ ràng.

Đáng chú ý, cửa chính giữa rộng 3,54m, nằm thẳng trục với Dũng đạo nối từ Ngọ Môn đến điện Cần Chánh – trục thần đạo quan trọng của Hoàng thành Huế.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện 402 mảnh hiện vật bao gồm gạch đá kiến trúc, gốm sứ men, hiện vật kim loại có niên đại từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết đây là bước khảo sát quan trọng để chuẩn bị thực hiện dự án phục hồi Đại Cung Môn – công trình đã được HĐND tỉnh thông qua cuối năm 2024. Dự án có tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, triển khai trong 4 năm.
“Hiện mặt bằng Đại Cung Môn đã bị phá hủy hoàn toàn, không để lại dấu tích và thậm chí mặt nền cũng đã được bảo vệ bằng các lớp gạch Bát Tràng vào năm 1991. Kết quả khảo cổ, chúng tôi khẳng định được vị trí các hệ thống tim, trục và các vật liệu sử dụng. Chúng tôi có phương án phục hồi, đảm bảo được tính kế thừa của lịch sử, cũng như các kết quả mà bên khảo cổ học cung cấp", ông Tuấn nói.
Đại Cung Môn là cổng chính của Tử Cấm Thành – nơi sinh sống và làm việc của vua và các phi tần triều Nguyễn. Công trình được xây dựng năm 1833, dưới triều vua Minh Mạng, gồm 5 gian, không có chái, trổ 3 cửa (cửa giữa dành riêng cho vua).

Đại Cung Môn được các nghệ nhân giỏi nhất thời Nguyễn xây dựng cực kỳ công phu. Mặt trước sơn son thếp vàng, trang trí bát bửu, tứ linh cùng thơ văn cung đình. Mặt sau có hai hành lang Tả Vu và Hữu Vu, dài 9 gian, lợp ngói thanh lưu ly, nối với các kiến trúc phụ trợ trong Đại Nội.
Trên đỉnh Đại Cung Môn có treo biển “Càn Thành cung”, đánh dấu cửa vào nơi ở của hoàng đế triều Nguyễn. Cùng với điện Cần Chánh, Đại Cung Môn đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 do chiến tranh.
Việc phục hồi Đại Cung Môn – cổng chính biểu tượng của Tử Cấm Thành – mang ý nghĩa lớn về bảo tồn di sản cố đô Huế, góp phần tái hiện không gian hoàng cung triều Nguyễn, phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch văn hóa di sản.