Nhiều phát hiện mới tại điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 21-12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học "Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng Thành Thăng Long".

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học giai đoạn này có vai trò quan trọng mang lại những căn cứ xác thực cho chiến lược diễn giải di sản và hướng tới phục dựng chính điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2. Để phát huy giá trị di tích, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học lựa chọn 2 hố khai quật tiêu biểu, phản ánh chân thực và sinh động dấu tích của tòa Chính điện Kính Thiên thời Lê để trưng bày tại chỗ.

Các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện Kính Thiên. Cho đến hiện nay, tại vị trí các hố khai quật thăm dò đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19-20), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18) và thời Lê sơ (thế kỷ 15-16). Kết quả khai quật năm 2023 cho thấy nhiều di tích mới, gợi những nhận thức mới góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu trung tâm.

dc127ba1f6985ec60789-6409.jpg

Hố phía Đông có kết cấu nổi bật với bốn móng cột thời Lê trung hưng. Theo nghiên cứu của PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, dựa trên nền móng đã xuất lộ, có thể xác định kiến trúc giai đoạn này được xây dựng trực tiếp trên nền đất đã tôn đắp thời Lê sơ trước đó.

b80da3d22eeb86b5dffa-5973.jpg
Xuất lộ nhiều dấu vết quan trọng trong quá trình khảo cổ

Theo nhận định của PGS-TS Tống Trung Tín, về cơ bản, cuộc khai quật đã cung cấp hai thông tin quan trọng: cấu trúc và mặt bằng nền móng của chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17 - 18. Vị trí phía nam Hậu Lâu: Đã xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê Trung hưng, (thế kỷ 17 - 18) và Lê sơ (thế kỷ 15 - 16). Thời Lê Trung hưng, thời Trần (thế kỷ 13- 14) gồm có đường đi, nền gạch, móng cột, móng bó nền… Các dấu tích này có mối quan hệ với các dấu tích đã khai quật năm 2021, liên quan đến các cung điện của nhiều thời kỳ ở khu vực này.

a4eb6747ea7e42201b6f-4125.jpg

PGS-TS Tống Trung Tín đánh giá quá trình khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả quan trọng, đó là địa tầng nền điện dày trên 3m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất. "Theo đánh giá chủ quan, chúng ta đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng điện Kính Thiên", ông chia sẻ.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả khai quật thăm dò năm 2023; đồng thời khẳng định đây là những yếu tố góp phần vào việc phục dựng điện Kính Thiên trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục