Chọn vàng là vật bảo đảm
Nói về hoạt động mua vàng, đáng chú ý nhất là Nga. Thống kê trong tháng 7 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga mua thêm gần 29 tấn, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11-2017. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga gom thêm 20 tấn vàng trong tháng 5 và 17 tấn trong tháng 6. Tính đến nay, Nga đang sở hữu 2.170 tấn vàng. Sở hữu số lượng vàng tăng kỷ lục, Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 về số lượng vàng dự trữ trên thế giới. Chủ trương tăng mua vàng của Nga được thực hiện cùng lúc với việc nước này giảm mạnh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn giảm tới 84% từ tháng 3 đến tháng 5 xuống còn 14,9 tỷ USD. Lượng trái phiếu này hiện chỉ chiếm 17% dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Theo ông Dmitry Tulin, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, chủ trương mạnh tay mua vàng của Nga diễn ra lúc mối quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng. Mátxcơva muốn tránh rủi ro khi các đòn trừng phạt làm hoạt động bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong tương lai gặp khó khăn hoặc cấm các ngân hàng Nga sử dụng USD để thực hiện giao dịch. Giới kinh tế Nga nhận định, nước này có lợi khi tách kinh tế nước này ra xa USD, trước cấm vận gắt gao hơn của Washington. Về chính sách mua vàng của Nga, tờ Die Welt (Đức) cho rằng trong bối cảnh Mỹ liên tục áp dụng tăng thuế nhập khẩu lên hàng loạt hàng hóa của đối tác Mỹ, chiến lược đối với vàng sẽ là một trong những cách mà Berlin chú ý. Chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là mạnh tay sử dụng USD làm vũ khí chống các nước khác. Điều này có thể dẫn đến thực tế là vàng sẽ lên ngôi, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Tại khu vực Đông Nam Á và Trung Á, Philippines, Indonesia cũng đang đẩy mạnh hoạt động tích trữ vàng. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, tổng lượng vàng dự trữ của Philippines đã lên tới 196,4 tấn, tăng 20% so với năm 2010. Trong khi con số này ở Indonesia là 80,6 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Tây Á, lo ngại lệnh cấm vận sắp tới của Mỹ khiến đồng nội tệ mất giá làm nhu cầu mua vàng tăng gấp 3 lần, lên khoảng 15 tấn trong quý 2. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, ngân hàng Iran phải đúc hàng trăm ngàn đồng tiền vàng tổng cộng hơn 60 tấn.
Loại USD khỏi giao dịch
Hiện nay, trong một số giao dịch giữa Nga với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, USD đã phần nào bị loại bỏ. Bộ Tài chính Nga cũng đang xem xét khả năng chuyển sang ngoại tệ khác trong các giao dịch dầu mỏ. Tỷ giá đồng rouble của Nga trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva liên quan vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.
Trước đó, vào tháng 4, Iran tuyên bố từ bỏ đồng tiền Mỹ và chuyển tất cả các thanh toán quốc tế sang euro. Bất chấp án phạt mới của Mỹ, châu Âu tiếp tục mua dầu của Iran, nhưng các hợp đồng được thực hiện bằng đồng euro chứ không bằng USD nữa. Ấn Độ cũng thanh toán tiền “vàng đen” cho Iran bằng euro và đề nghị cả phương án dùng rupee.
Trước hành động của nhiều quốc gia, xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc loại bỏ đồng bạc xanh là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Với sự thống trị thị trường của đồng USD, rất khó để có thể bỏ được thói quen cũ vì phần lớn các công ty đảm bảo tài chính toàn cầu đều giao dịch bằng đơn vị tiền tệ của Mỹ.