Chính phủ Cuba đã ra tuyên bố khẳng định cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm vào các căn cứ quân sự và dân sự tại Syria là hành động đơn phương và không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
La Habana chỉ trích vụ tấn công này là sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của Luật quốc tế và của Hiến chương LHQ, là hành động lạm dụng chống lại một nhà nước có chủ quyền, làm sâu sắc thêm cuộc xung đột trong nước và khu vực.
Mỹ bắn tên lửa vào Syria. Ảnh: AP Tuyên bố của Chính phủ Cuba nêu rõ Mỹ đã tiến hành tấn công Syria mà không đưa ra được bằng chứng về việc nước này đã sử dụng vũ khí hóa học, và bất chấp việc Ban Thư ký kỹ thuật của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã thông báo sẽ triển khai một phái đoàn để điều tra tại Douma theo như yêu cầu của Syria và Nga.
Tuyên bố nhấn mạnh với tư cách là quốc gia ký kết và thành viên của Công ước Không phổ biến vũ khí hóa học, Cuba kiên quyết bác bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, với bất kỳ đối tượng và hoàn cảnh nào. Chính phủ Cuba cũng bày tỏ tình đoàn kết với người dân và chính phủ Syria trước nhưng thiệt hại về người và vật chất do hậu quả của vụ tấn công này.
Vụ tấn công diễn ra vào đêm ngày 13-4 (theo giờ Syria). Ảnh: AP Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha cùng ngày cho biết Damascus sẽ kêu gọi HĐBA LHQ có hành động chống lại "sự vi phạm trắng trợn" của Mỹ, Anh và Pháp. Ông Moustapha cũng đã cảm ơn Chính phủ Nga đã sát cánh cùng Chính phủ Syria.
Theo ông Moustapha, Nga đã giúp đỡ Syria tránh được một vụ tấn công quy mô lớn, đồng thời khẳng định chiến dịch tấn công của phương Tây nhằm vào Syria được xem là chất xúc tác làm tăng cường quan hệ đối tác giữa Damascus và Moskva.
Một quan chức Mỹ cho biết nước này đã sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công nhiều mục tiêu tại Syria. Ảnh: AP Cùng ngày, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên án cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Syria, cho rằng Mỹ và đồng minh đã hành động với một cái cớ bịa đặt.
Ông nhấn mạnh: "Nhân danh phẩm giá, bảo vệ hòa bình và các dân tộc trên thế giới, chúng tôi kiên quyết lên án cuộc tấn công của Tổng thống Trump chống lại nhân dân Syria anh em. Mỹ và đồng minh đã từng bịa ra một loại vũ khí hủy diệt không tồn tại làm cớ tấn công Iraq và nay lại tấn công Syria với một cái cớ tương tự".
Quận Barzeh ở thủ đô Damascus đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công. Đây là một khu vực có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học. Ảnh: AP Trong khi đó, trái ngược những quan điểm trên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công của Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào các cơ sở hóa học của Syria.
Tuyên bố của ông Trudeau nhấn mạnh: "Canada ủng hộ quyết định của Mỹ, Anh và Pháp trong việc làm suy giảm nguy cơ tấn công vũ khí hoá học của chính quyền Syria đối với người dân Syria", đồng thời khẳng định Canada "sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục điều tra về hành vi sử dụng vũ khí hoá học ở Syria".
Cùng quan điểm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này ủng hộ quyết định của Mỹ, Anh và Pháp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những cơ sở được cho là liên quan tới năng lực vũ khí hóa học của Syria vì mục tiêu ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Abe cũng cho hay Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong ngày hôm nay.
Quận Barzeh ở thủ đô Damascus đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công. Đây là một khu vực có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học. Ảnh: AP * Phản ứng trước các cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào Syria, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres ngày 14-4 (giờ Việt Nam) đã ra tuyên bố nhấn mạnh Hiến chương LHQ đã nêu rõ rằng các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nói chung, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh.
TTK LHQ nhấn mạnh Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Do đó, TTK kêu gọi các thành viên của HĐBA đoàn kết và gánh vác trách nhiệm này.
Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia tuân thủ Hiến chương LHQ. Ảnh: UN Ông cũng hối thúc tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những hoàn cảnh nguy hiểm này, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria.
Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới Guterres cho biết ông đã liên tục bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước việc HĐBA không nhất trí được một cơ chế để thanh tra một cách hiệu quả việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ông hối thúc HĐBA thực thi trách nhiệm của mình và lấp đầy lỗ hổng này. Bản thân ông sẽ tiếp tục can dự cùng các nước thành viên để đạt được mục tiêu này.
Trước đó một ngày, TTK Guterres đã cảnh báo tình hình tại Trung Đông đang hỗn loạn tới mức có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh và và hòa bình của quốc tế. Tại phiên họp của HĐBA với chủ đề "Những mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế", ông đã đã nhấn mạnh tới những căng thẳng tại Trung Đông đang có nguy cơ dẫn đến một cuộc leo thang quân sự toàn diện, tác động mạnh mẽ tới khu vực và toàn cầu.
* Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) ngày 14-4 cho biết đã có 3 dân thường bị thương trong loạt vụ không kích của liên quân 3 nước Anh, Pháp, Mỹ vào Syria cùng ngày.
Theo SANA, 3 nạn nhân trên bị thương trong các vụ không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự gần thành phố Homs.
Bên cạnh đó, các cuộc không kích cũng đánh vào nhiều địa điểm tại thủ đô Damascus, song chủ yếu gây ra thiệt hại về tài sản. Một số tên lửa đánh trúng một trung tâm nghiên cứu tại Barzeh, phía Bắc thủ đô, phá hủy một tòa nhà đặt nhiều phòng thí nghiệm và một trung tâm huấn luyện.
SANA nêu rõ "hành động hiếu chiến này là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đi ngược lại ý chí của cộng đồng quốc tế và được định trước là sẽ thất bại".
Bộ Ngoại giao Syria ngày 14-4 cũng đã lên án các cuộc không kích của phương Tây vào nước này là "hành động hiếu chiến tàn bạo và dã man".
Theo các thông tin mới nhất, quân đội Syria tuyên bố không có thiệt hại nhân mạng trong vụ tấn công của Mỹ cùng Anh và Pháp.
Hãng thông tấn trên cũng cáo buộc chiến dịch không kích của Anh, Pháp, Mỹ nhằm cản trở tiến trình điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hôm 7-4 tại thị trấn Douma mà chính quyền Damascus cáo buộc là một kế hoạch dàn dựng từ trước của các nước phương Tây.
Trong khi đó, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã lên kế hoạch bắt đầu điều tra vụ tấn công tại Douma trong ngày 14-4.
Cùng ngày, Tổ chức Ân xá quốc tế cảnh báo các cuộc không kích vào Syria của 3 nước Anh, Pháp, Mỹ cần "tránh gây tổn hại cho dân thường". Tuyên bố của ông Raed Jarrar, một quan chức cấp cao phụ trách tình hình Trung Đông-Bắc Phi của tổ chức trên, nêu rõ các nước cần triển khai "tất cả các biện pháp có thể để giảm thiểu tối đa những tổn hại với dân thường trong các chiến dịch quân sự".
Bên cạnh đó, quan chức này cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng kéo dài và bế tắc tại Syria đang khiến vấn đề người di cư trở nên cấp thiết hơn. Ông Jarrar hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cửa tiếp nhận những người tị nạn Syria phải rời bỏ quê hương.
SONG NGUYÊN