Tuy nhiên, họ không dám nói lên sự thật vì sợ mất việc làm. Song cũng theo bà Hằng, ở nhiều doanh nghiệp khác, do có quy chế giám sát chặt chẽ, có quy chế làm việc khoa học nên không có hiện tượng này xảy ra.
Để giám sát và ngăn ngừa tình trạng xâm hại, quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bà Trịnh Thanh Hằng cho biết, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo thành lập và đẩy mạnh hoạt động của các ban nữ công quần chúng tại doanh nghiệp. Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hội thảo, diễn đàn tại Tây Ninh và Bắc Giang về vấn đề bình đẳng giới, trong đó có lồng ghép cả về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Dự kiến vào tối 6-4 tại Khu công nghiệp Gò Vấp (TPHCM), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tổ chức một diễn đàn tương tự để nâng cao nhận thức và trang bị những kỹ năng ngăn ngừa cho công nhân.
Tới năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức các mô hình mẫu về đào tạo, tập huấn cho cán bộ công đoàn làm lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thí điểm mô hình này tại 3 nhà máy may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau khi tổng kết sẽ nhân rộng ra các địa phương, doanh nghiệp khác.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực làm rõ hơn khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc khi xây dựng nội dung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sau đó sẽ đưa ra nghị định hướng dẫn với những giải pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.