Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã gửi báo cáo tới Quốc hội ngay trước phiên chất vấn – trả lời chất vấn chiều nay, 7-6.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm nông sản chính trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; đầu vào sản xuất 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.
Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất), trong đó rau quả 1,5 tỷ USD, gạo 1,4 tỷ USD (2,9 triệu tấn), cá tra 1,2 tỷ USD, tôm 1,9 tỷ USD. Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 28%, tăng 17,1%; Trung Quốc chiếm 17,8%, tăng 6,8% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 19,5%).
Đáng lưu ý, theo người đứng đầu ngành NN-PTNT, nhiều loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN…
Hiện đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand…
Về sản phẩm chăn nuôi, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông và đang thúc đẩy xuất khẩu tổ yến, bột cá và dầu cá, lông vũ sang Trung Quốc…
Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, kho lạnh bảo quản nông sản tại vùng nguyên liệu, hệ thống kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu chưa đồng bộ; dẫn đến tình trạng ùn ứ phương tiện trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc khi nước bạn áp dụng nghiêm ngặt chính sách phòng chống dịch Covid.
Công tác phổ biến nhu cầu, thị hiếu tại nước sở tại và quy định của thị trường nhập khẩu có lúc còn bị động. Vai trò của các hiệp hội ngành hàng với các hội viên còn hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đủ về yêu cầu quy định của thị trường.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Đặc biệt, công tác đàm phán kỹ thuật thường kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các FTAs đã có hiệu lực.