Nhiều khu dân cư, ấp, tổ nhân dân đã có những cách làm sáng tạo, thu hút được đông đảo người dân tham gia qua những mô hình như Tuyến đường không rác, Sáng chủ nhật vì môi trường sạch - xanh, Chung cư xanh, Hộ gia đình sạch… Kết quả thấy rõ nhất là môi trường sống của những địa bàn dân cư trên được sạch đẹp, an toàn, mọi người cùng chung tay, góp sức cho cuộc sống được trong lành, vui tươi hơn.
Tuy nhiên, ngược lại, ở nhiều nơi sau khi phát động, các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa bàn dân cư vẫn chưa tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia và cũng chưa đưa ra được giải pháp, cách làm nào hiệu quả, để cuộc vận động đi vào thực tế. Đơn cử, tại địa bàn một số khu vực ở quận 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức…, tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, nơi công cộng, đổ nước thải ra lối đi vẫn còn. Khu vực trung tâm thành phố có các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Thị Minh Khai, cầu Kiệu, cầu Bông, các cầu trên 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa…, nhiều túi rác chưa qua phân loại vứt đầy trên vỉa hè, lối đi. Ghi nhận của chúng tôi, ở những khu vực trên hầu như không có sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ dân phố trong việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xả rác ra đường, nơi công cộng, kênh rạch. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM, nhiều nơi chưa triển khai đến địa bàn dân cư và các hộ dân. Công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hầu như không được triển khai.
Thực tế trên cho thấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở địa bàn dân cư trong vận động, tuyên truyền và có các mô hình, giải pháp gắn với thực tế, để thu hút đông đảo người dân tham gia vào cuộc vận động xã hội đầy ý nghĩa này.