Huyện Yên Thành đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nhiều nhà máy nước hàng chục tỷ đồng phải ngừng thi công.
Xây dựng từ năm 2013, nhưng đến nay, nhà máy nước xã Liên Thành vẫn chưa thể hoạt động
Mỏi mòn chờ nước sạch
Dự án Nhà máy nước sạch Liên Thành có tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng; trong đó 60% vốn từ Trung ương, địa phương đối ứng 40%, do UBND xã Liên Thành làm chủ đầu tư. Năm 2013, công trình được khởi công xây dựng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cấp nước sinh hoạt cho 1.700 hộ với trên 7.000 nhân khẩu.
Trong quá trình xây dựng và mới được cấp 7 tỷ đồng thì nguồn vốn bị dừng, công trình đã phải tạm ngừng thi công từ tháng 7-2015 đến nay.
Với số kinh phí đã được cấp, nhà máy mới chỉ xây xong nhà văn phòng, nhà điều hành, nhà kho, bể chứa, hồ chứa nước thô. Do bỏ hoang hơn 2 năm qua, hiện nay công trình đã bị xuống cấp. Trên sân nhà máy nhiều đống vật liệu ngổn ngang, trang thiết bị thi công đã hoen gỉ, có phòng bị người dân tận dụng để… nhốt gà, hồ chứa nước thô bị rêu phong không khác gì ao nuôi cá.
Xã Liên Thành có 8 xóm thuộc vùng trũng. Người dân ở đây lâu nay phải dùng nước từ giếng khoan nhiễm phèn, nước sông Vũ Giang, kênh thủy lợi và nước mưa. Ông Nguyễn Bá Cận, trú tại xóm Chùa Thàng, than thở: “3 năm rồi mà chưa thấy nhà máy nước hoạt động, máy móc thiết bị cũng chưa lắp đặt. Dân toàn dùng nước giếng khoan và giếng khơi, nhưng nước giếng bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh”.
Ông Đặng Ngọc Công, Chủ tịch UBND xã Liên Thành, cho biết xã đã tìm nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Liên Công (một doanh nghiệp tại địa phương) có năng lực để thi công tiếp. “Chúng tôi sẽ thực hiện xã hội hóa khoảng 10 tỷ đồng, nhưng trước mắt phải hoàn thành nhà máy để cấp nước. Xã đã giao cho nhà thầu tìm các nguồn vốn khác. Sau khi hoàn thành, đưa nước theo đường ống về các tuyến đường ở các xóm, khi đó địa phương mới huy động nhân dân đóng góp”.
Còn tại nhà máy nước xã Minh Thành (được xây dựng cạnh trục đường trung tâm xã), chúng tôi nhìn thấy người dân “tranh thủ” dùng 2 phòng đã xây trong nhà máy để… nhốt bò. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng; trong đó hơn 18 tỷ đồng xây lắp, 1,8 tỷ đồng thiết bị.
Dự kiến, khi đưa vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp nước cho 7 xóm với 978 hộ, hơn 5.380 nhân khẩu. Tuy nhiên, dự án khởi công từ năm 2012, sau 1 năm thi công thì phải dừng lại do thiếu vốn. Sau khi huy động vốn từ nhiều nguồn, đến cuối tháng 8-2017, dự án được khởi động trở lại và đã hoàn thành các hạng mục như hồ chứa, bể chứa, nhà quản lý vận hành, nhà thiết bị, hố van…
Kêu gọi doanh nghiệp tham gia
Đến nay, toàn huyện Yên Thành có 15 dự án nhà máy cấp nước sạch, trong đó 8 công trình đã đi vào hoạt động (cấp nước cho người dân 12 xã) và 7 công trình đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, trong 7 dự án này thì có tới 6 công trình thi công dang dở do thiếu vốn, gồm nhà máy nước ở các xã: Phú Thành, Liên Thành, Phúc Thành, Tây Thành, Minh Thành và Đô Thành. Các công trình nhà máy nước sạch được xây dựng chủ yếu từ các nguồn vốn như ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn vay JICA, nguồn đóng góp của nhân dân...
Trước những khó khăn về nguồn vốn, huyện Yên Thành đã giao cho các phòng, ban chức năng phối hợp với UBND các xã tiến hành đánh giá chính xác khối lượng thi công, nguồn vốn đã giải ngân, năng lực nhà thầu…, để từ đó xây dựng giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục thực hiện dự án trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thành, huyện sẽ đề nghị Trung ương và tỉnh hỗ trợ các xã chưa nhận đủ số vốn đã được phê duyệt; với các xã đã nhận đủ thì tiếp tục huy động nguồn để có đủ số vốn đối ứng. Huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng, sau đó sẽ thu hồi vốn trong quá trình vận hành và khai thác.
“Huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động nguồn đóng góp của nhân dân”, ông Dương cho biết thêm.