Dẫn dụ “con mồi”
Anh V.T.T. (SN 1979, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, anh là nhân viên văn phòng. Trưa 19-4, lướt Facebook, anh thấy một tài khoản đăng đường dẫn (đường link) tuyển cộng tác viên làm thêm với thù lao từ vài trăm ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng trong vài giờ. Tò mò, anh T. bấm vào đường link để tìm hiểu. Sau đó, anh nhận được tin nhắn với nội dung giới thiệu một nhân viên của công ty sẽ hướng dẫn anh. Anh T. kết bạn với tài khoản nhân viên này thì được yêu cầu kê khai thông tin: họ và tên, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ… Sau đó, người này gửi anh T. thẻ cộng tác viên (gồm tên anh và tên công ty là Công ty TNHH Quảng cáo Lazada cùng giấy phép kinh doanh), đề nghị anh T. kết bạn với Nhung - một nhân viên khác của công ty này.
Nhung gửi các đường link (mỗi đường link tương ứng với 1 sản phẩm, các sản phẩm này đều thuộc Trang thương mại điện tử Lazada), đề nghị anh T. truy cập đường link sẽ thấy mã sản phẩm kèm giá tiền. Nhung cung cấp 1 tài khoản ngân hàng mang tên “Phung Tuan Dat” và hướng dẫn anh T. thao tác mua sản phẩm có trong đường link, sau đó thanh toán bằng cách chuyển tiền đến số tài khoản trên. Khoảng 10 phút sau, anh T. sẽ nhận lại được số tiền mua sản phẩm cùng với 10-30% hoa hồng giá trị sản phẩm.
Nhung cho biết đây là hình thức kích cầu cho gian hàng để tăng doanh số bán hàng. Sau 2 “nhiệm vụ” được chi hoa hồng, Nhung yêu cầu anh T. làm “nhiệm vụ” thứ 3 với số tiền hơn 10 triệu đồng thì anh T. nói không có tiền. Nghe Nhung nói sẽ hỗ trợ 20% tổng đơn hàng, anh T. tin tưởng nên thực hiện đơn hàng này. Anh T. vừa thực hiện xong đơn hàng, Nhung gọi cho anh, nói là “sếp” cần nói chuyện với anh T. Vị “sếp” yêu cầu anh T. phải thực hiện xong đơn hàng thứ 4 thì mới nhận lại tiền, hoa hồng. Để anh T. tin tưởng, người này hứa rằng sẽ có 2 nhân viên hỗ trợ cho anh 50% tổng đơn hàng. Tin tưởng, anh T. làm nhiệm vụ thứ 4 với đơn hàng hơn 15 triệu đồng. Nhưng sau đó, đối tượng yêu cầu anh phải làm thêm 4 “nhiệm vụ” nữa mới nhận lại tiền, hoa hồng. Thấy sự việc không minh bạch, nghi ngờ bị lừa, anh T. tới cơ quan công an trình báo.
Bị sập bẫy cũng với hình thức trên, chị P.T.H. (SN 1990, ngụ tỉnh Quảng Ninh) bị lừa với số tiền hơn 822 triệu đồng.
Tội phạm biến đổi khôn lường
Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào từng thời gian, thời điểm: Mạo danh nhân viên bưu điện, cán bộ công an, kiểm sát, tòa án để hù dọa; rủ người dân đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo; đề nghị nâng cấp SIM điện thoại; làm giả ứng dụng liên kết với ngân hàng; lừa đảo mua bán thiết bị y tế, khẩu trang, kit xét nghiệm; giả nhân viên xét nghiệm Covid-19.
Với thủ đoạn giả danh cán bộ pháp luật, các đối tượng thông báo bị hại liên quan đến vụ án hình sự, đường dây tội phạm. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân để cơ quan chức năng làm việc, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để xác minh, yêu cầu bị hại chuyển tiền để từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Với thủ đoạn giả nhân viên nhà mạng điện thoại, các đối tượng đề nghị khách hàng nâng cấp SIM điện thoại lên 4G. Nếu người dân thực hiện theo hướng dẫn thì được yêu cầu gửi mã OTP cho đối tượng. Tiếp theo, đối tượng chiếm đoạt SIM của nạn nhân và thay đổi mật khẩu các tài khoản rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân qua Internet Banking.
Ngoài ra, các đối tượng còn dẫn dụ người dân tham gia các sàn ngoại hối, đầu tư tiền ảo, tham gia mua hàng hộ để hưởng hoa hồng trên các trang bán hàng trực tuyến. Hoặc giả làm người nước ngoài, làm quen với các phụ nữ trên mạng, hứa hẹn tình cảm rồi gửi quà về Việt Nam. Sau đó, có người gọi điện thoại đến, tự nhận là nhân viên chuyển phát nhanh, yêu cầu bị hại trả tiền phí vận chuyển hàng hóa hoặc đưa ra nhiều lý do để yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Gần đây, nổi lên phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên trực tuyến. Phần lớn các đối tượng mạo danh nhân viên của các trang thương mại điện tử, lôi kéo người dùng tham gia bán hàng trực tuyến với hoa hồng 10-30%. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chia sẻ và cảnh báo với người thân, bạn bè về các phương thức lừa đảo qua không gian mạng.
Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, lưu ý, lực lượng công an không mời hay triệu tập người dân qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. Người dân cảnh giác với các đầu số điện thoại lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ. Nếu nhận cuộc gọi xưng là cán bộ công an, kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông... thì người dân báo cho công an nơi gần nhất. |