Người bệnh nhập viện tăng đột biến
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 25-6 lấp đầy người bệnh, chủ yếu từ tuyến dưới chuyển lên, có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lân cận: Long An, Bình Dương, Tây Ninh.
Bác sĩ Trương Trọng Tuấn, Phó trưởng khoa, cho biết, hiện có trên 80 bệnh nhân đang nằm cấp cứu tại khoa, tính từ đầu tháng 6 đến nay đã có trên 10.000 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó 70-80% là người lớn tuổi, có các bệnh lý: hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa… Nhiều ca bệnh nguy kịch do đưa vào bệnh viện trễ.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca nhập viện do viêm hô hấp cũng liên tục tăng trong thời gian qua. Dọc lối đi khoa hô hấp đã được kê thêm giường nhưng không đủ đáp ứng lượng bệnh nhi nhập viện ngày càng đông.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), từ đầu tuần tới nay, số người già tới viện khám và điều trị các bệnh lý do thời tiết nắng nóng tăng khá cao. Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết, đợt nắng nóng này khiến số bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 so với ngày thường. Trong số ca vào cấp cứu thì số ca đột quỵ chiếm 30-40%, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước, do người bệnh đến bệnh viện muộn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày qua, khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 bệnh nhi/ngày, liên quan đến các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa. Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, số ca nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với trước, cao điểm lên 400 ca/ngày.
Chủ động bảo vệ sức khỏe
Theo bác sĩ Trương Trọng Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115, thời tiết miền Nam đang trong giai đoạn nắng - mưa xen kẽ kéo dài, khiến cơ thể người dễ mất nước, rối loạn điện giải. Người lớn tuổi, có bệnh nền không làm chủ được vệ sinh cá nhân dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Thời tiết lúc mưa khi nắng nóng dễ khiến người cao tuổi bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, người cao tuổi phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không nên căng thẳng, hạn chế đi ra đường khi trời nắng nóng.
Các bác sĩ khuyến cáo, với bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên mà có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, có bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu... gặp thời tiết nắng nóng, huyết áp có thể tăng không kiểm soát được, nếu thêm thói quen ăn mặn, ít vận động, rất dễ dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, lưu ý, người già cần tránh các hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ hàng ngày. Buổi sáng nên hoạt động nhẹ như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, không nên hoạt động mạnh. Đặc biệt không nên tắm đêm dễ khiến mạch máu co lại làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Trong ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa làm mát là cần thiết nhưng không quá lạm dụng. Vào những khoảng thời gian thời tiết dịu mát nên tắt điều hòa, mở cửa để phòng thông thoáng vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường, như từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Với những người có bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của thầy thuốc để kiểm soát bệnh.
* BS CKII Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, trong giai đoạn mùa nắng nóng, mật độ tia UV gây bức xạ rất cao. Nếu người dân thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng có thể gây ra tình trạng viêm da, bỏng da, rát da, nám da, thay đổi sắc tố trên da. Đặc biệt, có nhiều người bị ung thư da do tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp mà không được bảo vệ, che chắn. Một khi da đã bị tổn thương, tình trạng tái đi tái lại là rất cao, do đó phải bảo vệ da cẩn trọng trước ánh nắng mặt trời. |