Nhiều người làm nghề đạp xích lô muốn tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu

Làm nghề đạp xích lô, chở khách du lịch tham quan, ngắm cảnh phố cổ, sông Hoài, mặc dù thu nhập không quá dư giả, song những “phu xe”, “phu xích” ở TP Hội An (Quảng Nam) vẫn muốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, để hy vọng khi về già có đồng lương hưu đảm bảo cuộc sống lúc “chân yếu tay run”.

Những người làm nghề đạp xích lô ở Hội An. Ảnh: VĂN PHÚC

BHXH Việt Nam vừa tổ chức chuyến đi khảo sát thực tế tại địa bàn tỉnh Quảng Nam cho các cơ quan báo chí, nhà báo ở khu vực Hà Nội và TPHCM. Tại đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc với những người làm nghề đạp xích lô ở “phố Hội” để tìm hiểu tâm tư và việc tham gia các chính sách an sinh xã hội của những lao động tự do, đặc thù này như thế nào…

Theo ông Phan Phước Tùng (sinh năm 1965), Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Hội An - tổ chức cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hội An, được thành lập năm 1997 - tập hợp những người lao động tự do làm nghề đạp xích lô tại phố cổ Hội An. Từ ngày đầu thành lập, nghiệp đoàn chỉ có 52 đoàn viên, đến nay đã có 102 đoàn viên, chia làm 4 tổ với 5 bến đậu. Nghề đạp xích lô không chỉ phục vụ khách du lịch có nhu cầu đi xích lô ngắm khu phố cổ (phố đi bộ) mà còn tạo ra hình ảnh độc đáo, nét đẹp cổ cho xứ này.

Cũng theo ông Phan Phước Tùng, mặc dù mức thu nhập (lương) chỉ đủ sống - khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, nhưng trong tổng số 102 người tham gia nghiệp đoàn, vẫn có hơn 10 người quyết định tham gia BHXH tự nguyện, để được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe và quan trọng nhất là sau này có lương hưu.

Tổng thu nhập mỗi tháng khoảng hơn 10 triệu đồng từ nghề đạp xích lô, ông Tùng quyết định trích 10% (khoảng 1,1 triệu đồng) mỗi tháng để đóng BHXH tự nguyện.

“Tùy thu nhập của anh em, có người đóng 500.000 đồng, 700.000 đồng, 800.000 đồng mỗi tháng. Chúng tôi mới bắt đầu tham gia khoảng 1 năm nay”, ông Tùng chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Tấn Mạnh (sinh năm 1991, ở phường Cẩm Nam) cũng là thành viên nghiệp đoàn, cho biết, đã làm nghề xích lô được 6 năm nay. Trong và sau đợt dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm, kinh tế vẫn còn khó khăn, nên anh cũng như nhiều thành viên trong nghiệp đoàn chưa thể tham gia BHXH tự nguyện, nhưng sẽ tham gia nếu chính sách “thoáng” hơn và nền kinh tế hồi phục trở lại.

Anh Nguyễn Tấn Mạnh bày tỏ tâm tư, suy nghĩ về thu nhập và chính sách an sinh xã hội

Anh Nguyễn Tấn Mạnh bày tỏ tâm tư, suy nghĩ về thu nhập và chính sách an sinh xã hội

Theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn (nhưng thấp nhất phải bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).

Mặc dù mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn đã tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng từ ngày 1-1-2022 (theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP), nhưng nhiều người lao động cũng không thể tham gia với mức đóng cao do thu nhập còn hạn chế.

Trong khi theo anh Nguyễn Tấn Mạnh, nếu chỉ đóng ở mức vài trăm đến 1 triệu đồng/tháng thì sau về hưu, mức lương hưu cũng không được bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo ngành BHXH, mức lương hưu được hưởng khi đủ tuổi hưu và đủ năm đóng, không phải là trả theo số tiền đã đóng BHXH, mà được trả căn cứ trên mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện mà người tham gia đã lựa chọn. Đối với những người tham gia BHXH tự nguyện, ngoài phần người lao động tự đóng, còn được Nhà nước hỗ trợ thêm để đóng BHXH tự nguyện.

Theo BHXH Việt Nam, số người tham gia và thụ hưởng lưới an sinh BHXH, bảo hiểm y tế… ngày càng mở rộng. Ước tính đến hết tháng 7-2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc có hơn 16 triệu người; tham gia BHXH tự nguyện có gần 1,5 triệu người. Đồng thời, tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp có 14,3 triệu người. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,3 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số.)

Tin cùng chuyên mục