Các chuyên gia tham gia tọa đàm |
Sáng 30-8, tại Hà Nội, Tạp chí Công thương (Bộ Công thương) tổ chức tọa đàm về sản xuất và phân phối xanh - giải pháp phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công thương - cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững), hơn 2 năm qua, cơ quan này đã xây dựng được phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp và các mô hình thu gom, tái chế, tái sản xuất, tái sử dụng một số sản phẩm, nguyên vật liệu... để đáp ứng yêu cầu của sản xuất xanh.
Ông Cù Huy Quang |
Đến nay, Bộ Công thương cũng đã xây dựng được bộ tài liệu từ cơ bản đến nâng cao, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ông Quang cho biết, trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương đã đẩy mạnh vấn đề như tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng. “Hơn 2 năm qua, chúng tôi đã áp dụng trong hệ thống siêu thị, chợ đầu mối về thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng túi ni lông sử dụng một lần bằng những sản phẩm sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói và một số vật liệu khác”, ông Quang nói.
Ông Quang khẳng định, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm |
Do đó, các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững đang là xu thế chung của thế giới, chắn chắn sẽ tiếp cận được xu thế phân phối xanh của thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu.
Đại diện cho một đơn vị tư vấn hàng đầu về sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp than - khoáng sản, ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tin học, công nghệ, môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), cho rằng, sản xuất xanh - sạch bây giờ không chỉ là một giai đoạn, công đoạn mà phải là cả quá trình dài, hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Huân |
Với hoạt động của Vinacomin là khai thác than và hầm lò trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nơi tập trung dân số với mật độ cao, để hướng tới sản xuất xanh, các đơn vị này đang tập trung nghiên cứu, áp dụng các giải pháp cho nước thải và đất đá thải sau quá trình khai thác.
Đối với nước thải, hiện công ty này đang phối hợp với Vinacomin triển khai dự án tái sử dụng nguồn nước thải từ hầm mỏ để cung cấp cho người dân ở Quảng Ninh sử dụng (vì lượng nước ngầm trong các hầm mỏ là rất lớn).
“Đối với đất đá thải, hiện tập đoàn cũng triển khai nhiều biện pháp, trong đó có hướng tới sử dụng đất đá thải để san lấp, làm đường giao thông”, ông Huân nói và cho biết, gần đây, Vinacomin còn đang đẩy nhanh tốc độ phủ xanh trên các bãi thải, từ đó có thể kết hợp để phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác.
Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thuộc hệ thống MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất và tiêu dùng xanh ở lĩnh vực bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng |
Bà Hưng cho biết, MM Mega Market đang hướng đến thay đổi hành vi người tiêu dùng bằng việc MM Mega Market là chuỗi siêu thị đầu tiên không phát túi ni lông cho khách hàng tại quầy tính tiền và đưa ra các giải pháp như sử dụng thùng carton để khách hàng đựng, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi ni lông phân hủy sinh học…
MM Mega Market đang kết hợp với các đối tác như Tetra Pak Việt Nam, TBC-Ball Việt Nam và sắp tới sẽ có thêm Alta Plastics để đặt hệ thống thùng thu gom vỏ hộp sữa, lon nhôm, chai nhựa.
Để tiết kiệm năng lượng, đơn vị này cho biết, đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại 11 trung tâm. Nhờ vậy, mỗi năm giảm phát ra môi trường khoảng 5.000-7.000 tấn khí CO2.
Theo bà Hưng, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ rất chủ động tìm những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn khi họ đi mua hàng.
“Họ nói là tôi không lấy túi ni lông vì tôi đã mang túi đựng hàng rồi hoặc họ chủ động lựa chọn những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe, tốt hơn cho môi trường. Ví dụ, tôi không dùng hộp xốp, tôi muốn mua xôi đựng bằng hộp bã mía, tôi muốn sữa chua ít đường hơn… Hoặc là họ sẽ chủ động lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm hơn với xã hội”, bà Hưng chia sẻ tại cuộc tọa đàm.