Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Nhi Trung ương, Lão khoa, Hữu nghị Việt Xô..., số người tới khám, điều trị các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra đang có chiều hướng tăng cao.
Cùng với đó, số người tới khám, nhập viện tại bệnh viện đa khoa ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Nam, Ninh Bình... cũng tăng khoảng 10-15% so với trước dù các cơ sở y tế siết chặt các quy định khám chữa bệnh để phòng tránh dịch Covid-19 lây lan.
Theo một số chuyên gia y tế, thời tiết nóng bức kéo dài khiến cơ thể bị mệt mỏi, say nắng, thậm chí ngất xỉu và đột quỵ. Không những vậy, trời nóng còn khiến cơ thể khó chịu dẫn tới mất ngủ vào ban đêm. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở.
Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng gây ra chủ yếu là bệnh về đường hô hấp, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đối với những người cao tuổi có tiền sử tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường thì những ngày đỉnh điểm của nắng nóng rất dễ trở bệnh nặng, thậm chí nguy hiểm tới sức khỏe.
Đối với những người phải làm việc ngoài trời hay trong những khu vực nóng và môi trường làm việc không thoáng khí, cần hết sức lưu ý đề phòng say nắng, cháy nắng, kiệt sức do nắng nóng. Để phòng các bệnh trên, cần chú ý các biện pháp bảo vệ da, bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng; bổ sung chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng; chú ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Hơn nữa, cũng cần chú ý với những người sống ở khu vực thành thị cũng dễ bị đột quỵ do nắng nóng gay gắt gây ra hơn so với những người dân sinh sống ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở thành phố cao hơn nhiệt độ của thời tiết, trong khi vào ban đêm lại có hiệu ứng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.