Để ngăn chặn, người dân và chính quyền các địa phương đã dốc hết sức xây dựng đê kè chắn sóng. Nhưng đó chỉ là biện pháp khẩn cấp tạm thời trong hành trình gian nan “dời non, lấp biển”...
Vấn nạn khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến bờ biển miền Trung sạt lở nghiêm trọng
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy (BCH) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, thực tế những năm qua, hầu hết tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung chủ yếu áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở bờ biển. Theo đánh giá chung, đây là giải pháp có suất đầu tư cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực; không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và trả lại không gian cho biển.
“Hiện chúng ta đang ở tình trạng xử lý kiểu sạt lở đâu, chữa đấy. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn rất hạn hẹp nên không thể tính toán căn cơ, lâu dài được”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế .
“Hiện chúng ta đang ở tình trạng xử lý kiểu sạt lở đâu, chữa đấy. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn rất hạn hẹp nên không thể tính toán căn cơ, lâu dài được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại các hội thảo khoa học cấp khu vực và quốc gia tổ chức thời gian gần đây, một số nhà khoa học cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh việc trồng rừng ngập mặn để tạo những vành đai chắn sóng, hạn chế tình trạng xâm thực và sạt lở bờ biển. Nhưng giải pháp này rất khó triển khai khi yếu tố địa hình và phía ngoài ven bờ biển miền Trung ngập sâu, không có bãi bồi, chế độ triều không tạo điều kiện cho phù sa bồi đắp…
Trước mắt, các địa phương đang nỗ lực bảo vệ và phát triển những cánh rừng phi lao ven biển. Cùng với đó, nghiêm cấm việc khai thác cát ven biển phục vụ xuất khẩu hoặc san lấp mặt bằng. Bố trí đất khôi phục rừng phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khảo sát lại quy hoạch nhằm hạn chế những công trình kiên cố lấn biển và nạn phá rừng phòng hộ để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tổ chức di dời dân cư những vùng sạt lở nghiêm trọng. Lâu dài cần có những nghiên cứu tổng thể trên mọi lĩnh vực để tìm ra nguyên nhân cặn kẽ vì sao xâm thực và sạt lở bờ biển miền Trung những năm gần đây lại diễn ra với tốc độ nhanh, quy mô lớn như vậy.
Theo ông Phan Thanh Hùng, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở bờ biển lâu nay tại miền Trung chủ yếu vẫn bằng phương pháp mang tính chắp vá, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển ở miền Trung là do thiếu hụt lượng bùn cát từ thượng lưu đổ về. Song các tỉnh lại đang thiếu bộ số liệu cơ bản về thủy, hải văn, bùn cát, bồi lở bờ biển để thiết kế công trình phòng chống sạt lở nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở nghiêm trọng là do do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên thực tế thì biến đổi khí hậu chưa thật sự rõ ràng. Mà chính những tác động của con người đã làm cho thiên tai ngày càng dữ dội hơn. Đó là tình trạng xây dựng các đập thủy điện chặn nước từ thượng lưu đổ về hạ du khiến lượng bùn cát suy giảm. Nạn chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn khiến lưu tốc dòng chảy các sông ngắn, dốc càng khủng khiếp hơn.
Phải kiểm soát các nguyên nhân gây sạt lở
Ông Nguyễn Đình Vượng, Giám đốc Trung tâm Thủy nông (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), nhận định, hiện tượng xói lở bờ biển chủ yếu là sự kết hợp giữa triều cường và sóng lớn, các yếu tố như dòng ven bờ, dòng vuông góc với đường bờ, thực chất cũng là do sóng tạo ra. Triều cường là quy luật tự nhiên, con người chưa thể chế ngự được, do vậy giải pháp chống xói lở bờ biển chính là các giải pháp chống lại những con sóng lớn truyền tới bờ, chống sóng trực tiếp ngay trên bờ hay phá sóng từ xa tùy thuộc vào yêu cầu thực tế, tính chất, nhiệm vụ công trình và khả năng kinh tế, kỹ thuật để quyết định.
Từ đó, ông Vượng đề xuất giải pháp chống sạt lở bờ biển bằng các công trình bảo vệ bờ trực tiếp, “cứng hóa” bờ như: Xây dựng tường kè bằng bê tông, lát mái bằng kết cấu mảng mềm Tsc-178, rải đá hộc, xếp rọ đá gabion hoặc khối bê tông chống lật Tetrapod lên mái bờ sau khi đã có lớp vải địa chất và giữ chân kè bằng các hàng ống puy… Còn đối với các khu du lịch, bãi tắm, giải pháp bảo vệ bờ, chống xói lở có nhiều yêu cầu phức tạp hơn, cần áp dụng công nghệ bảo vệ bờ và kết hợp nuôi bãi với dạng kết cấu KC-2002, kiểu dáng chân kè TOE-HWRU-2001.
Trong khi đó theo PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, xói lở bờ biển từ xưa đã tiếp diễn một cách rất tự nhiên, xói lở chỗ này thì bồi lấp chỗ kia là hết sức bình thường. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, sạt lở biển lại diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn mà đáng báo động nhất là ở miền Trung và Nam bộ.
Ông Nguyễn Tác An cho rằng: Nạn khai thác cát bừa bãi, vô tội vạ; khai thác rừng đầu nguồn; chặn nước làm thủy điện; đắp đập, be sông, suối… đã làm mất khả năng kiểm soát của tự nhiên, làm mọi thứ trở nên xáo trộn, không theo quy luật, biến đổi khôn lường. Thực tế ở các địa phương, người ta vẫn bất chấp hoặc xem thường lệnh “cấm rừng” của Thủ tướng Chính phủ. Nạn phá rừng càng lúc càng tồi tệ đến mức dường như các đơn vị chức trách đều bị tê liệt hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã làm cho quá trình động lực học, thời tiết, mưa gió, triều cường diễn biến phức tạp hơn.
Trong khi đó, các cư dân vẫn sống xưa nay ở ven sông, biển, cửa biển. Họ đang sử dụng bờ biển, cửa biển chưa thực sự bền vững, nhốn nháo thiếu trật tự, vô tình đã “tiếp tay” cho triều cường “công phá” càng mạnh hơn. Do vậy, các tỉnh, thành miền Trung cần sớm có kế hoạch để kiểm soát được 6 nguyên nhân trên thì mới ứng phó lại được với sạt lở, bồi lấp bờ biển. Ngoài ra, cần có những giải pháp đồng bộ và tổng hợp. Trong đó, chú trọng những giải pháp hợp tác quản lý tài nguyên bền vững; quản lý tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ vùng biển cũng như tạo đồng thuận trong cộng đồng dân cư về việc giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại và các giải pháp phòng chống sạt lở.