Mặc dù đã ra đi hơn 30 năm, nhưng trong buổi ra mắt sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu do NXB Tổng hợp và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức vào ngày 30-10, nhiều nghệ sĩ sân khấu vẫn dành những tình cảm nồng ấm cho NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch - được ví như người thầy, người cha của không ít nghệ sĩ thành phố hiện nay.
NSƯT, đạo diễn sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch (1922-1985) tham gia kháng chiến và liên tục phụ trách các đoàn văn công từ 23-9-1945; năm 1954, tập kết ra Bắc, ông là Trưởng đoàn Cải lương Nam bộ, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trưởng đoàn Kịch nói Nam bộ.
Năm 1975, trở về TPHCM, ông là Trưởng đoàn Kịch nói Cửu Long Giang, Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu TPHCM, Phó Giám đốc Sở văn hóa - Thông tin TPHCM. Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã đạt nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn sân khấu.
Sau 16 năm, cuốn sách "Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu" trở lại với độc giả, được chỉnh sửa và bổ sung một số nguồn tư liệu mới Trong cuốn sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu vừa được ra mắt mới đây, độc giả - nhất là độc giả ngày nay sẽ có dịp hiểu về con người cũng như những đóng góp của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đối với sân khấu nước nhà nói chung và sân khấu TPHCM nói riêng.
Đặc biệt, ngoài lĩnh vực sân khấu, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch còn ghi dấu ấn của mình trong lĩnh vực âm nhạc. Mặc dù sáng tác không nhiều, nhưng nhiều bài hát của ông đã trở thành “người bạn đường của nhiều cuộc đời” (nói theo GS, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần) như Hồn thiêng chiến sĩ, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng, Tuyên truyền lưu động. Trong đó, không thể không nhắc đến ca khúc Cương quyết ra đi, được ông sáng tác vào năm 1947, từng được góp mặt trong tập sách Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại của Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản năm 1977 ở phần “Những bài ca quên năm tháng”.
Có thể xem cuốn sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu là nguồn tư liệu quý giá, nhất là đối với những ai quan tâm đến sân khấu, khi tập hợp những bài viết của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch trong suốt cuộc đời 40 năm hoạt động sân khấu của ông, bắt đầu từ tháng 8-1945 cho đến khi ông mất tại TPHCM vào tháng 10-1985.
Nhiều bài viết của ông có giá trị về mặt sử liệu lớn như Đoàn kịch nói Nam bộ: Một đoàn nghệ thuật chiến đấu, Đoàn kịch nói Nam bộ và vở kịch Liên Xô Đồng hồ chuông điện Krem-lạnh, Vài nét về Đoàn kịch nói Cửu Long Giang, Nghệ thuật sân khấu cải lương hình thành và phát triển, Về sân khấu thành phố năm 1980…
Bà Đinh Thị Thanh Thủy (trái), Giám đốc NXB Tổng hợp cùng TS Nguyễn Thị Hậu, con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp, cuốn sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu từng được xuất bản vào năm 2004; tuy nhiên, từ đó đến nay là một khoảng thời gian tương đối dài và cuốn sách đã có sự đứt mạch, không còn đến được với thế hệ bạn đọc tiếp theo. Hơn một năm qua, NXB cùng TS Nguyễn Thị Hậu, con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, đã cùng làm việc để cuốn sách được tái bản, có sự chỉnh sửa và bổ sung một số nguồn tư liệu mới.
Bên cạnh những đóng góp của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, cuốn sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu còn cho độc giả thấy được những tình cảm quý giá mà đông đảo thân hữu cũng như nghệ sĩ dành cho ông. Qua đó, giúp độc giả hiểu thêm về một nhân cách, về cách sống, cách đối đãi của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch dành cho mọi người.
Dù NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đã ra đi hơn 30 năm, nhưng tại chương trình ra mắt sách, rất đông nghệ sĩ của thành phố đã đến dự và dành những tình cảm nồng ấm cho ông. Không ít nghệ sĩ đã không kìm được xúc động khi nhắc về “ông Bảy Bạch”.
Với NSND Kim Xuân, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch cũng chính là người thầy đầu tiên. Theo chia sẻ của NSND Kim Xuân, cùng với nhiều nghệ sĩ khác, bà là lớp trẻ đầu tiên sau năm 1975 được đào tạo tại Đoàn Cửu Long Giang. Và chính NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch là người thương và chăm sóc cho từng người một, những thanh niên lần đầu tiên được làm quen với sâu khấu cách mạng.
Với NSND Kim Xuân , NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch là người thầy đầu tiên đưa bà đến với sân khấu “Cảm ơn bác Bảy Bạch như một người cha, một trong những người thầy đã đưa tôi đến với sân khấu, cho tôi một tình yêu với sân khấu; cho đến bây giờ, lửa nghề vẫn chưa nguôi”, NSND Kim Xuân chia sẻ.
Còn NSƯT Lê Thiện biết đến NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch từ năm 1955, khi ông dẫn đoàn văn công vào khu 5 - nơi NSƯT Lê Thiện đang sinh sống, để phục vụ cho chuyến tập kết cuối cùng của miền Nam. Nhờ đó, bà là người được gặp ông Bảy Bạch từ sớm, và bắt đầu đi theo nghệ thuật từ đó.
NSƯT Lê Thiện xúc động khi nhớ về NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch Cũng giống như NSƯT Kim Xuân, nghệ sĩ Lê Thiện cũng có nhiều kỷ niệm và tình cảm với NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch. Bà nói trong xúc động: “Nhắc tới chú Bảy Bạch là nhắc đến một người thầy, người cha hiền dịu và rất chân chất”.
“Chúng tôi mong những gì mà bác Bảy để lại sẽ được trao truyền cho thế hệ trẻ, từ các bạn diễn viên đến những bạn yêu nghệ thuật hay những bạn trẻ làm công tác nghiên cứu. Trong quá trình làm sách, chúng tôi vui mừng khi nhận ra đã hình thành một thế hệ độc giả mới, cũng như thế hệ nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sâu về nghệ thuật truyền thống. Điều đó rất đáng mừng”, bà Đinh Thị Thanh Thủy bày tỏ.
HỒ SƠN