Nhiều ngành học của Việt Nam xếp hạng cao trên thế giới

Trong 2 năm gần đây, nhiều ngành học của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới xếp vào tốp 40-100, tốp 500 và tốp 600-700 của thế giới. Đây là kết quả của việc các trường nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo, tham gia các tổ chức kiểm định uy tín của thế giới để liên tục cải tiến chất lượng.

Chất lượng được thế giới công nhận

Cuối năm 2024, Tổ chức giáo dục ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc) công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới theo lĩnh vực học thuật; trong đó ĐH Kinh tế TPHCM là ĐH duy nhất ở Việt Nam có ngành đào tạo xếp hạng 38 thế giới. Theo đó, ngành Tài chính của ĐH Kinh tế TPHCM đứng thứ 38 thế giới, tăng 1 bậc so với 2023.

Theo ShanghaiRanking Consultancy, đây được xem là thứ hạng cao nhất đến nay của các trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng này. Bên cạnh đó, trường còn có ngành Kinh tế được xếp hạng tốp 201-300 và ngành Quản trị kinh doanh ở vị trí tốp 301-400.

T4c.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện - điện tử Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS, Anh) công bố mới đây, năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM có 8 ngành được xếp vào tốp 51-700 trên thế giới, gồm các ngành: Kỹ thuật dầu khí trong tốp 51-100; các ngành Toán, Kỹ thuật điện - Điện tử, Kỹ thuật Hóa học, Nông lâm, Kinh tế học, Kinh tế lượng, Khoa học Môi trường, Khoa học máy tính được xếp trong tốp 351-500.

Ba ngành còn lại là Kinh doanh và khoa học quản lý, Hóa học, Vật lý và không gian được xếp tốp 501-650. Trước đó, năm 2022, bảng xếp hạng theo lĩnh vực khoa học (World University Ranking by Subject) cho các cơ sở giáo dục ĐH toàn cầu của Times Higher Education (THE, Anh) cũng lần đầu tiên xếp hạng 2 nhóm ngành Khoa học xã hội (Social Sciences) và Kinh doanh - Kinh tế (Business and Economics) của ĐH Quốc gia TPHCM đồng vị trí Tốp 601+... Tính đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM dẫn đầu cả nước về số ngành được xếp hạng cao trên thế giới.

Cũng theo QS công bố vào giữa tháng 4-2024, Việt Nam có 7 ĐH và trường ĐH vào tốp ĐH thế giới theo nhóm ngành. Có 5 lĩnh vực (Khoa học xã hội và Nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học đời sống và Y học, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Quản lý) với 55 nhóm ngành của hơn 1.550 ĐH được xếp hạng trong đợt này.

Theo đó, ĐH Quốc gia TPHCM năm thứ hai liên tiếp lọt tốp 51-100 thế giới ở ngành Kỹ thuật dầu khí; nhóm ngành Toán học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 201-250; ĐH Quốc gia Hà Nội lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng này với nhóm ngành Kỹ thuật dầu khí trong tốp 101-150, nhóm ngành Kinh tế và Kinh tế lượng trong tốp 451-500...

Động lực để cải tiến chất lượng

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành Kỹ thuật dầu khí của trường có 2 năm liên tiếp giữ vị trí ở tốp 51-100 của thế giới trên bảng xếp hạng QS là điều vinh dự cho cả sinh viên lẫn nhà trường. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành này phần lớn được các tập đoàn dầu khí của thế giới tuyển dụng với mức lương rất cao.

T1h.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ học nhóm. Ảnh: THANH HÙNG

QS xếp hạng theo lĩnh vực (ngành đào tạo), khảo sát dựa trên danh tiếng học thuật, uy tín của trường ĐH với nhà tuyển dụng chiếm trọng số rất cao. Đây là nguồn động viên và khích lệ cho ngành Kỹ thuật dầu khí của nhà trường tiếp tục phát huy, liên tục cập nhật, cải tiến chương trình cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo một chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TPHCM, QS, THE, ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc)... là những tổ chức xếp hạng ĐH uy tín nhất thế giới. Mỗi bảng xếp hạng của các tổ chức này đều có những tiêu chí và trọng số khác nhau, nhưng những tiêu chí về xếp hạng theo lĩnh vực thường tập trung vào danh tiếng học thuật của trường ĐH, uy tín của trường ĐH theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, số lượng trung bình trích dẫn trên một bài báo của trường ĐH; năng suất nghiên cứu khoa học và mức độ ảnh hưởng của các công bố của trường ĐH; chỉ số IRN (mạng lưới nghiên cứu quốc tế) về hiệu quả trong hợp tác với các đối tác quốc tế của trường ĐH...

Các trường ĐH Việt Nam có ngành được xếp hạng cao nên xem đây là thước đo để rà soát những tiêu chí đã đạt, những tiêu chí chưa đạt để điều chỉnh và cải tiến trong quá trình đào tạo. Chất lượng giáo dục ĐH của từng ngành, từng trường không bao giờ đứng yên một chỗ mà luôn luôn được cải tiến để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhận định, kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế và xếp hạng ĐH là nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh cạnh tranh về chất lượng. Các trường nỗ lực để có nhiều ngành, chương trình đào tạo đạt chứng nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế thì chắc chắn uy tín và thương hiệu của nhà trường được nâng cao ở tầm quốc tế. Từ đó, các trường luôn có động lực để cải tiến chất lượng đào tạo, để sản phẩm đầu ra có chất lượng và đạt hiệu quả, năng suất lao động như mong muốn của nhà tuyển dụng.

Tin cùng chuyên mục