Lo “đứt” nguồn cung nguyên liệu
“Tết năm nay chúng tôi cho công nhân nghỉ thời gian khá dài, đến mùng 10 (ngày 3-2) mới vào khai trương đi làm trở lại nên hầu hết đã có mặt và bắt tay vào làm việc ngay. Đơn hàng khá dồi dào, vì từ tháng 12-2019 chúng tôi đã ký kết với đối tác đủ để sản xuất đến hết năm 2020. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là nguyên phụ liệu có thể bị “đứt” vì hiện chỉ đủ sản xuất đến hết tháng 2-2020”, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (phường Thới An, quận 12 TPHCM), ông Lê Nhung cho biết.
Theo ông Lê Nhung, DN Thành Đạt chuyên gia công hàng quần áo thời trang đi Mỹ, châu Âu… nhưng nguồn nguyên liệu phần lớn đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch nCoV đã khiến nhiều DN sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn, nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
Tương tự, các DN ngành da giày cũng đang lo lắng do lâu nay phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên phụ liệu như da công nghiệp, dây kéo, khóa, xi… từ Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TPHCM Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết, nguyên liệu, đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa cao su Việt Nam, phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, tới hơn 70%. Lượng nguyên liệu của một số DN trong ngành hiện chỉ đủ sản xuất trong khoảng 1 đến 2 tháng. Nên nếu thời gian tới, phía đối tác Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu thì DN phải nhập từ Nhật và Hàn Quốc với giá cao hơn 15% - 20%. Điều này dẫn đến hệ quả là DN sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, đặc biệt đối với các đơn hàng đã được ký trước từ cuối năm 2019.
Cần giải pháp ứng phó lâu dài
Báo cáo đánh giá nhanh tác động của dịch nCoV của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố tới các nhóm ngành cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp. Nguyên do, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Vì vậy, mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc (đầu ra) không bị ảnh hưởng (vì hầu hết các DN may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc), nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng.
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số DN dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh… nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn rất nhiều so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh.
Trên thực tế, nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1 - 2 tháng tới, thì kinh tế toàn cầu, Trung Quốc lẫn Việt Nam đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN trong nước tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác.
Điều này các DN Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia đã triển khai từ lâu nhằm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do thực trạng hiện nay khoảng 90% DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa, nên ngoài sự chủ động của DN, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Bởi hiện nay, một số khó khăn mà DN đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan.
Trước diễn biến hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa có thông báo đề nghị các DN hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch nCoV tác động tới tình hình sản xuất kinh doanh để Vitas tổng hợp báo cáo Chính phủ. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Vitas khuyến nghị các DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người lao động. |