Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm. NHNN cho biết, quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Ghi nhận thị trường trong ngày 1-10 cho thấy, nhiều NHTM đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động giảm mạnh, đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng xuống dưới xa mốc 4%/năm. Ví dụ, lãi suất mới của DongABank từ ngày 1-10 ở kỳ hạn 1 - 5 tháng giảm 0,42% xuống còn 3,83%/năm. Saigonbank cũng điều chỉnh từ 0,2 - 0,7 điểm % ở một số kỳ hạn so với trước đó; Kienlongbank giảm tối đa 0,6 điểm %. Lãi suất huy động của OCB cũng điều chỉnh giảm tối đa 0,25 điểm % so với trước đó... Không chỉ giảm lãi suất huy động tại quầy, một số NHTM còn giảm lãi suất tiết kiệm trực tuyến (thường có lãi suất cao hơn lãi suất gửi tại quầy- PV) xuống mức 4%/năm theo quy định của NHNN.
* Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tháng 9 với cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm so với tháng trước. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30-9, VN-Index đứng ở mức 905,21 điểm, tương đương mức tăng 9,71% trong quý 3-2020. Theo Bảng xếp hạng các thị trường chứng khoán tăng tốt nhất thế giới của Index, chứng khoán Việt Nam đã đứng thứ 4 trong tốp 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất tháng 9, sau Mông Cổ (4,27%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,06%) và Đan Mạch (3,48%). Với đà hồi phục mạnh trong quý 2 và quý 3-2020, VN-Index hiện chỉ còn thấp hơn 5% so với thời điểm đầu năm.