Ngày 18-5, Sacombank vừa tung gói ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng đến hết ngày 31-12-2023. Theo đó, các khách hàng có thể vay cho mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 8%/năm. Với mục đích vay phục vụ đời sống (mua, xây sửa nhà cửa, đất đai, tiêu dùng) sẽ có lãi suất từ 9,5%/năm. Song song đó, hiện ngân hàng này cũng đang triển khai gói vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua ô tô với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, áp dụng đến hết 30-6-2023. Theo đó, người dân có thể vay đến 100% giá trị xe và thời gian vay kéo dài đến 10 năm.
Trong ngày 17-5, Agribank cũng đã công bố tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, áp dụng từ nay đến hết ngày 30-9-2023. Theo đó, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng. Đối với cho vay ngắn hạn, Agribank cũng đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp nhất từ 4,5% /năm.
Trước đó, Vietcombank cũng vừa gia hạn chương trình giảm lãi suất cho vay VND đến 0,5% cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến hết ngày 31-7-2023. Theo đó, ước tính sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất cho vay trong đợt này.
Ngày càng nhiều ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, trong khi tốc độ lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Lý giải lãi suất cho vay vẫn “neo” ở mức cao, NHNN cho biết, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi đó nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, điều này đã tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao và các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất ở mức cao.
Theo NHNN, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đã tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước, cũng làm gia tăng áp lực về lãi suất.
Cùng với đó, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do các ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.