Ngày 4-10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, xây dựng nông thôn mới được tỉnh rất quan tâm và ngay từ đầu tỉnh đã chọn 30 xã làm điểm để chỉ đạo. Sau đó, Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành kết luận số 23 về tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; trong đó tiếp tục chọn thêm 37 xã để thực hiện chỉ đạo điểm…
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mô hình cộng đồng dân cư quản lý nông thôn mới theo phương châm “3 tự - 1 nhờ”; mô hình nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu đường nông thôn; sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; mô hình biến bãi rác thành vườn hoa; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”...
Ngoài ra, còn có những mô hình nổi bật như “Cây xoài nhà tôi” của HTX Xoài Mỹ Xương tổ chức bán hàng trên website, đưa thương hiệu "Xoài Cao Lãnh" vươn xa; canh tác lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 thực hiện tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất; mô hình “Ruộng nhà mình” ở HTX Thuận Tiến thực hiện cung cấp gạo chất lượng cao cho thị trường Hà Nội.
Hay như mô hình du lịch cộng đồng tại homestay Tư Cá linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà hoa ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà hoa hồng (ở TP Sa Đéc)... các mô hình đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn.
Huy động hơn 93.536 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Thống kê giai đoạn từ năm 2016 đến 9-2019, toàn tỉnh Đồng Tháp huy động các nguồn hơn 93.536 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã nâng cấp, sửa chữa hơn 1.657 km đường giao thông nông thôn, xây 1.113 cây cầu; sửa chữa và xây mới 6.711 căn nhà, thắp sáng 214 km đường quê… Xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân nâng ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết và thực hiện tốt vai trò chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp không để phát sinh nợ đọng. Tính đến tháng 9-2019, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nông thôn mới… Kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 90% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so năm 2020. Dự kiến, nhu cầu vốn cho nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.125 tỷ đồng. |
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm hết sức khó khăn, vì vậy đạt được kết quả như hôm nay là sự cố gắng không mệt mỏi của các cấp, các ngành, đặc biệt là những nông dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, tạo ra diện mạo khởi sắc cho nông thôn Đồng Tháp. Cần thấy rằng, xây dựng nông thôn mới không phải là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường trạm, nhà văn hóa mới… mà quan trọng hơn là xây dựng tinh thần của người dân, phải phát huy được vai trò làm chủ xóm làng, thay đổi nhận thức, trách nhiệm của họ đối với cộng đồng”.
Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; tạo lập hình ảnh nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh…
Dịp này, UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho 3 tập thể, tặng bằng khen cho 9 tập thể và 291 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2020.