Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 cùng lãnh đạo Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM và các ban, ngành TPHCM.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng vũ trang TPHCM đã luôn đồng hành, phòng chống dịch
Phát biểu mở đầu hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Nam bày tỏ xúc động không thể nói hết được những việc làm, những hy sinh gian khổ mà người dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Đồng thời bày tỏ những đau thương mất mát khi đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 16.800 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trung tướng Nguyễn Văn Nam cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, suốt hơn 150 ngày qua, lực lượng vũ trang thành phố đã quyết tâm, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời nhận định, đánh giá tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề xuất Thành ủy - UBND TPHCM các giải pháp đáp ứng yêu cầu từng cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó có 13 nhóm giải pháp “khẩn cấp” trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nhấn mạnh, kết quả báo cáo tại hội nghị chưa thể hiện hết được tất cả những kết quả mà lực lượng vũ trang TPHCM tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, TPHCM nhận được sự chi viện rất lớn từ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các tỉnh thành bạn cả về nhân lực, vật lực với quy mô rất lớn, đây là chiến dịch tham gia phòng chống dịch chưa từng có. Chiến dịch này đã huy động rất nhiều bộ ngành từ Trung ương đến các địa phương vào TPHCM hỗ trợ phòng chống dịch, thể hiện tinh thần cả nước vì TPHCM.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, trong đợt dịch vừa qua, ngành y tế TPHCM rút ra bài học kinh nghiệm phải phát huy phối hợp có hiệu quả với lực lượng vũ trang trong việc đảm bảo về an ninh, an sinh xã hội cùng với tổ chức chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Chưa bao giờ nhân viên ngành y tế TPHCM có một tình cảm rất đặc biệt dành cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ và cho biết thêm, trong suốt 2 năm qua, khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành y tế TPHCM đã cùng với lực lượng vũ trang, đặc biệt là Bộ Tư lệnh TPHCM đã thành lập ngay bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trong năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt bệnh viện dã chiến đã được thành lập có sự hỗ trợ rất lớn từ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, những người không thể thiếu tại các bệnh viện này.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đã luôn đồng hành, có mặt trong tất cả các nhiệm vụ phòng chống dịch từ tham gia quản lý, điều hành tại các bệnh viện đến chăm sóc điều trị người bệnh… Đặc biệt là quân đội đã thành lập bệnh viện dã chiến 5G (tầng 3) hỗ trợ ngành y tế TPHCM điều trị những F0 chuyển nặng, nguy kịch. Trong đó xúc động nhất, ấn tượng nhất là hình ảnh lực lượng vũ trang đã tham gia tiếp nhận, xử lý thi hài từ khâm liệm, đưa đi hỏa táng đến chăm lo hậu sự, vận chuyển và bàn giao tro cốt người mất vì dịch Covid-19 cho thân nhân, gia đình.
Các chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đưa tro cốt của người đã khuất vì dịch Covid-19 đến tận tay người thân tại địa bàn quận 8. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, TPHCM thành lập các trạm y tế lưu động. Ngành y tế TPHCM xem đây là mũi giáp công thứ 2 trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với lực lượng chính là các chiến sĩ quân y với hình ảnh ngày đêm trực tại trạm, tư vấn chăm sóc F0 tại nhà. Với mô hình này và nhờ sự có mặt của lực lượng quân y đến từng nhà chăm sóc F0 mà số ca chuyển nặng giảm, giảm tỷ vong.
“Ngành y tế TPHCM cám ơn sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TPHCM đã đồng hành, hỗ trợ trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, ngành y tế TPHCM tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng chống dịch”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng bày tỏ. |
Nhiều mô hình, cách làm hay
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, các điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch. Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp thiết lập 263 chốt, thành lập 310 tổ tuần tra nhằm kiểm soát dịch và giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách.
Bộ Tư lệnh TPHCM thiết lập 4 khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19. Tổ chức tiếp nhận, cấp phát trên 1,93 triệu túi an sinh và trên 283.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.
Các đơn vị do Quân khu 7 tăng cường đã hỗ trợ bốc xếp, tiếp nhận trên 15.636 tấn lương thực thực phẩm, cấp phát trên 2 triệu túi an sinh, hỗ trợ giao trên 277.140 đơn hàng; tổ chức lễ xuất quân, trao 100.000 phần quà của Bộ Quốc phòng hỗ trợ người dân TPHCM có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa chăm lo cho người dân. Trong đó chăm lo hội viên phụ nữ khó khăn, trẻ em trong các khu cách ly, bệnh viện điều trị và đồng bào dân tộc, tôn giáo; các đơn vị, địa phương tổ chức hàng trăm “phiên chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “gian hàng lưu động 0 đồng”, “bữa cơm tình nghĩa”... đã đưa tới cho người dân hơn 2.000 tấn hàng hóa các loại, trị giá trên 300 tỷ đồng góp phần bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM vận chuyển, lắp đặt bình oxy cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố, phục vụ bệnh nhân Covid-19 với số lượng 2.414 tấn với hơn 24.187 bình oxy các loại. Đồng thời, Bộ Tư lệnh TPHCM còn tổ chức tiếp nhận và cấp phát 30 tấn lương khô do Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) bảo đảm cho các lực lượng tăng cường chống dịch và hỗ trợ người dân trên địa bàn thành phố…
Cán bộ, chiến sĩ phường đội 2, Ban Chỉ huy quân sự quận 8, TPHCM chuẩn bị các phần quà gồm lương thực thực phẩm của Bộ Tư lệnh TPHCM trao tới người dân. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh TPHCM còn tổ chức thăm và hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm đối với các đơn vị kết nghĩa trực thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia; Hội Khmer-Việt Nam, Hội đồng tỉnh Svay Riêng, cộng đồng người Việt ở Campuchia với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng và 56.000 USD. Đồng thời, trao tặng, hỗ trợ kinh phí, vật chất cho các đơn vị, địa phương, cơ quan quân sự các tỉnh phòng chống dịch Covid-19 giá trị trên 14 tỷ đồng.
Trung đoàn Gia Định đã phát động phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất hỗ trợ cho người dân và các lực lượng tham gia phòng chống dịch như phong trào: “Bánh mì yêu thương, thắm tình quân dân”, “vịt siêu trứng”.
Ban Chỉ huy quân sự các quận huyện và TP Thủ Đức có mô hình “Huy động bộ đội xuất ngũ tham gia phòng chống dịch Covid-19”, “Nữ dân quân tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19”, “Đội sửa chữa lưu động phòng chống dịch Covid-19”, “Trao gửi yêu thương”, “Chăm sóc trẻ em huyện Bình Chánh bị mồ côi do dịch bệnh Covid-19”, “Tổ chức kết nạp đảng viên mới nơi tuyến đầu chống dịch”…