Tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hoà giải thương mại, trọng tài thương mại” do Bộ Tư pháp phối hợp với JICA tổ chức sáng nay, 7-3, bình luận về Pháp luật hiện hành đối với hoạt động quảng cáo, khuyến mại và tài trợ liên quan đến bia, rượu, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhận định, pháp luật nói chung, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nói riêng, đang có sự mâu thuẫn trong các quy định về cấm và kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia.
Đơn cử, dự thảo Luật này quy định trong nhóm hành vi bị nghiêm cấm việc “Quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức”, song Luật Quảng cáo hiện hành không cấm khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ trở lên.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (dưới đây gọi là dự thảo Luật) quy định cấm 3 nhóm hành vi “quảng cáo, khuyến mại, tài trợ”, trong đó có 2 nhóm hành vi “quảng cáo, khuyến mại” thuộc vào hoạt động “xúc tiến thương mại” theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005. Song “tài trợ” thì không rõ là hoạt động gì và có thuộc về hoạt động “xúc tiến thương mại” hay không?
Thứ ba, có 3 mức độ cấm khác nhau, được diễn đạt bằng 3 từ không được, cấm và nghiêm cấm. Về ý nghĩa pháp lý cơ bản thì cả 3 điều đó đều là cấm, tức là không được phép như nhau. Tuy nhiên, về mức độ nhấn mạnh, thì buộc phải hiểu “nghiêm cấm” là mức độ cấm cao nhất, nếu vi phạm thì cần xử lý hình sự. Như vậy, việc sử dụng từ “nghiêm cấm” trong trường hợp này là không cần thiết, không chính xác – vị Luật sư diễn giải.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cấm 7 trường hợp quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ, trong khi Luật Thương mại năm 2005, Luật Quảng cáo năm 2012 và các luật khác không cấm hoạt động quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ.
Rồi tại Điều 10 về “Kiểm soát việc khuyến mại rượu, bia”, dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân không được dùng rượu, bia dưới 15 độ cồn làm giải thưởng; khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn trực tiếp đến người tiêu dùng, trừ các lễ hội ẩm thực” được Luật sư Đức coi là không rõ ràng, vì xuất hiện từ “giải thưởng” tách riêng với “khuyến mại”. Vậy dùng rượu, bia làm giải thưởng là hoạt động gì? Trong khi đó, Điều 10 về “Kiểm soát việc khuyến mại rượu, bia”, dự thảo Luật lại cho phép khuyến mại rượu bia đối với cả người dưới 18 tuổi trong “các lễ hội ẩm thực”.
Đối chiếu với các Luật Thương mại năm 2005, Luật Giá năm 2012 và Luật Cạnh tranh năm 2018 thì thấy không cấm việc khuyến mại rượu, bia; trừ khuyến mại cho người chưa thành niên.
Về tài trợ rượu, bia, dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia dưới 15 độ cồn thực hiện hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ”. Theo ông Trương Thanh Đức, trước hết, cần phải giải thích khái niệm “tài trợ” có thuộc về hoạt động “quảng cáo, khuyến mại” hay không; hay được coi là hoạt động “xúc tiến thương mại” khác, từ đó mới có căn cứ pháp lý để giữ hay bỏ quy định về tài trợ rượu, bia.
Nội bộ dự thảo Luật cũng sẽ mâu thuẫn, vì khoản 2 Điều 5 về “Các hành vi bị nghiêm cấm” chỉ cấm 3 nhóm hành vi “Quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ” trở lên, trong khi tại điều luật này lại cấm cả “tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia” dưới 15 độ.