Bắt tay nhà bán lẻ giảm sức ép giá
Liên quan đến vấn đề này, đại diện phía Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp nội trong hệ thống thực hiện giảm giá 30.000 mặt hàng thiết yếu gia dụng, nhằm góp phần ổn định giá hàng hóa trong bối cảnh giá sản phẩm tiêu dùng trên thị trường tăng mạnh. Những mặt hàng tham gia bình ổn và giảm giá đợt này tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như nước mắm, dầu ăn, quần, áo, xoong nồi, sữa tắm, dầu gội, bàn chải, nước khoáng…
Đơn cử, dầu gạo nguyên chất Simply 1L có sản phẩm thứ 2 giảm 59.800 đồng còn 24.000 đồng/chai, nui xoắn cao cấp Meizan 300g có sản phẩm thứ 2 còn 6.000 đồng/gói. Hay với sản phẩm nước giặt Lix đậm đặc 3,8kg, nếu mua từ sản phẩm thứ 2 sẽ được giảm từ 152.200 đồng xuống còn 3.800 đồng/chai, chảo xào không dính RV-CX30-30cm có sản phẩm thứ 2 giảm từ 185.000 đồng còn 10.000 đồng/cái. Đặc biệt, với sản phẩm khăn mặt Quảng Phú có sản phẩm thứ 2 giảm còn 1.000 đồng/cái và ly nhựa đa năng HPB26-5C có sản phẩm thứ 2 giảm chỉ còn 0 đồng…
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thanh Nga (ngụ đường Bùi Viện, quận 1), chị cho biết: “Trong 2 tuần qua, tôi và gia đình thường xuyên đến mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh. Bởi so về mặt bằng giá giữa siêu thị và chợ Cống Quỳnh, thì giá trong siêu thị thấp hơn 10% - 20%. Đó là chưa kể, hệ thống siêu thị đang áp dụng những chương trình mua nhiều giá giảm đối với sản phẩm thứ 2 trở lên”. Đồng thuận với quan điểm của chị Nga, bà Liên Thị Thu Hương (ngụ đường Tuy Lý Vương, quận 8) chia sẻ, các sản phẩm như nước mắm, dầu ăn, dầu gội… tại siêu thị có giá thấp hơn chợ truyền thống rất rõ. Hơn nữa, khi mua hàng tại hệ thống siêu thị nói chung, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, ngoại trừ những trường hợp siêu thị không có hàng hoặc hết những hàng hóa mà mình cần thì gia đình bà mới mua hàng tại các chợ truyền thống.
Nhằm đáp ứng sức mua tăng cao của người tiêu dùng trong thời gian từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, thông tin đơn vị đã chủ động tăng nguồn cung ứng hàng hóa lên 30% - 40%. Trước đó, Saigon Co.op còn triển khai chương trình hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp về vốn đầu tư cải thiện dây chuyền sản xuất, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, thực hành sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… để từng bước ổn định nguồn hàng cũng như chất lượng hàng hóa cung ứng tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op.
Gia cố nội lực sản xuất cho doanh nghiệp
Ở phạm vi rộng hơn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết nhằm giúp doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng xu thế phát triển nhanh hiện nay, sở đã kết nối doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng để được tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, góp phần gia tăng nội lực phát triển cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được tham gia rất nhiều hình thức kết nối, hỗ trợ, như ký kết cho vay theo chuyên đề (nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…), triển khai gói tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân/tổ chức với lãi suất ưu đãi…
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết năm 2018, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM có gần 11.000 doanh nghiệp, cá nhân được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi không quá 6,5%/năm (vốn vay ngắn hạn) và 9%/năm (vốn vay trung hạn), với tổng vốn vay là gần 290.000 tỷ đồng. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh, công ty đã thực hiện đầu tư dự án sản xuất nấm với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay ưu đãi trong 5 năm cho 5,5 tỷ đồng/tổng vốn đầu tư. Nhờ vậy mà cho đến nay, công ty đã hoàn thiện mới dây chuyền sản xuất, hoàn được vốn vay và đã đi vào kinh doanh có lãi ổn định.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hướng tới phát triển bền vững hơn, các doanh nghiệp cần chủ động cải thiện những hạn chế về việc xây dựng phương án kinh doanh, khả năng hoàn vốn và công tác hạch toán tài chính. Thông thường, hạn chế của những doanh nghiệp vừa và nhỏ là xây dựng phương án kinh doanh thiếu khả thi, hạch toán tài chính không chuyên nghiệp và thiếu minh bạch, trong khi tài sản thế chấp lại không có. Riêng về phía Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ nhất thiết phải tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài chính chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.