Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tác động nhiều đến toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Năm 2000 đã xảy ra trận lụt lịch sử ở ĐBSCL, đến năm 2016 lại xảy ra nạn hạn hán chưa từng có ở ĐBSCL trong vòng hơn 1 thế kỷ qua.
Tại TPHCM, cùng vói tác động của BĐKH, nước biển dâng đã làm cho vấn đề ngập úng ở TPHCM ngày càng thêm trầm trọng. Hiện mỗi năm TPHCM bị sụt lún từ 1,5 - 3cm do khai thác nước ngầm và các nguyên nhân khác.
Bởi vậy, việc tìm các giải pháp và lập dự án đầu tư xây dựng công trình để ngăn triều, chống xâm nhập mặn, tích nước ngọt, chống BĐKH, ứng phó với các kịch bản nước biển dâng cho khu vực TPHCM và vùng ĐBSCL trở nên cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị - kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái.
Theo GS-TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tổng thể giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đã được đề xuất.
Theo GS-TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tổng thể giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đã được đề xuất.
Dự án này được đề xuất dựa trên cơ sở bài toán quy hoạch tổng thể về thủy lợi của vùng, khả năng về kỹ thuật, công nghệ hiện nay của Việt Nam và thế giới, cũng như dựa trên thực tế công trình đê biển đã có ở các nước như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tổng vốn đầu tư cho dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là 74.000 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 46.000 tỷ đồng, có tác dụng cho đến khi nước biển dâng thêm 35cm (khoảng 50 năm sau).
Giai đoạn 2 với vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng, công trình có tác dụng khi nước biển dâng thêm 50cm (khoảng 70 năm sau).
Giai đoạn 3 xây dựng cống rộng 200m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công trình có tác dụng đến khi mực nước biển dâng thêm 100cm (khoảng trên 100 năm sau).
Khi hình thành đê biển này, lợi ích đem lại cho TPHCM rất lớn khi khai thác được 8.000ha vùng trũng thấp, thường xuyên ngập nước, giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, giảm sạt lở bờ sông, giảm úng ngập làm hỏng cơ sở hạ tầng, gia tăng sản xuất kinh doanh, giảm chi phí y tế.
Đối với vùng ĐBSCL, gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do ngập lụt, cải tạo đất phèn, giảm chi phí bơm tát...
Ngoài ra, khi hình thành đê biển sẽ tạo nên trục giao thông rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đi TP Vũng Tàu, cũng như từ các tỉnh miền Tây đi TP Vũng Tàu và ngược lại.