Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 4-2024 đạt trung bình 111,2 điểm, tăng 0,3 điểm (tăng 0,3%) so với tháng 3-2024. Bên cạnh đó, chỉ số giá thịt tháng 4-2024 cũng đạt trung bình 116,3 điểm, tăng 1,9 điểm (tăng 1,6%) so với tháng 3-2024, đánh dấu mức tăng tháng thứ ba liên tiếp và tăng nhẹ (tăng 0,4%) so với tháng 3-2023.
Theo báo cáo, giá thịt gia cầm tăng do hoạt động nhập khẩu ổn định của các nước Trung Đông trong bối cảnh sản xuất tiếp tục gặp thách thức do dịch cúm gia cầm bùng phát. Giá thịt bò thế giới cũng tăng do nhu cầu tiếp tục cao từ các nhà nhập khẩu lớn, bất chấp nguồn cung ở các nước nhập khẩu hàng đầu tăng.
Việc giá nhiều loại lương thực thế giới tăng được đánh giá có tác động nhất định đến thị trường lương thực toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, tại thị trường nội địa, giá nhiều loại thực phẩm không giảm từ đầu năm tới nay mà ngược lại vẫn ở mức cao, trong khi mức thu nhập của người tiêu dùng không tăng, dẫn tới việc chi tiêu có phần thắt chặt hơn.