Nhiều lễ hội ở miền Bắc thưa vắng khách vì mưa rét

Mưa rét, đường trơn và ướt cả ngày, nhiệt độ xuống thấp... khiến nhiều lễ hội, hội làng ở miền Bắc năm nay vắng hoặc ít du khách hơn mọi năm.

Trong 2 ngày 23 và 24-2, Hà Nội và nhiều nơi ở đồng bằng Bắc bộ, khu vực Đông Bắc bộ trời mưa phùn, mưa dầm trên diện rộng.

Từ đêm 23 đến ngày 24-2, miền Bắc chuyển rét kèm mưa phùn, có nơi mưa rào, kéo dài liên tục. Nhiệt độ tại Hà Nội chỉ còn 13-15 độ C. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn… nhiệt độ còn 9-10 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các chuyên gia khí tượng, đến chiều 24-2, không khí lạnh đã lan tỏa tới tỉnh Quảng Trị và bao trùm toàn bộ Đông Bắc bộ, khu vực Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và một số nơi ở Tây Bắc bộ (trừ Lai Châu, Điện Biên). Theo đó, khu vực Đông Bắc bộ trời rét đậm, có nơi rét hại, còn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa trời rét.

Dự báo trong ngày 25-2, các khu vực trên tiếp tục rét đến rét đậm (Hà Nội 13-15 độ C vào buổi sáng). Từ ngày 26-2, nhiệt độ tăng dần đến ngày 29-2 sẽ xuất hiện thêm đợt không khí lạnh mới.

Đường quê vắng vẻ, mưa phùn, sương mù ở ngoại thành Hà Nội chiều 23 và 24-2. Clip: VĂN PHÚC

Do trời rét đậm kèm mưa phùn, mưa dầm nặng hạt kéo dài cả ngày nên trong các ngày 23 và 24-2, nhiều lễ hội và hội làng ở miền Bắc khá thưa vắng khách so với mọi năm. Tại Hà Nội, mặc dù cuối tuần nhưng lượng người và xe đi lại trên đường không đông. Tại một số hội làng ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), khách vắng, trời mưa nên các sạp hàng, gian hàng lưu động mở phục vụ khách phải dọn sớm.

Tại các tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… với những lễ hội khai mở ngày 23-2 (trời còn khô ráo) thì người và xe chen chúc, đông đúc từ sớm, nhưng các lễ hội diễn ra ngày 24-2 lại thưa vắng hẳn so với các năm.

img-6459-6116.jpeg
Không khí lễ hội đền Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hoà An (Cao Bằng) ngày 24-2

Nhiều người cho biết, do trời mưa dầm, đường trơn ướt và lạnh buốt, nhiệt độ thấp… nên ngại ra khỏi nhà đi trẩy hội.

Điểm đáng chú ý, năm nay, ngay cả những lễ hội lớn ở miền Bắc như hội chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội), lễ hội khai ấn Đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định)… lượng người và du khách thập phương đến cũng giảm mạnh.

img-6457-6175.jpeg
Trời mưa nên không có cảnh chen chúc, xô đẩy tại lễ khai ấn Đền Trần năm 2024. Ảnh: TRẦN HUY
img-6456-4587.jpeg
Nhiều người dễ dàng xin được ấn sớm sau lễ khai ấn do khách không đông lắm. Ảnh: TRẦN HUY

Tại lễ khai ấn Đền Trần, những năm trước, lễ phát ấn vào nửa đêm thường kéo dài ít nhất 30-40 phút và từ chập tối, người dân đã chờ đợi rất đông, nhưng năm nay chỉ diễn ra tầm 15-20 phút là đã vãn người do lượng du khách thập phương giảm.

img-6451-6083.jpeg
Tại chùa Thiên Trù ở khu Di tích chùa Hương ngày 24-2 tức rằm tháng Giêng vắng khách so với mọi năm. Ảnh: CTV

Tại hội chùa Hương, một số người dân cho biết, chỉ đông đúc vào mấy ngày đầu khai hội (nhất là mùng 5 và 6 tháng Giêng), sau đó cũng không còn cảnh đông đúc, chen chúc như các năm trước nữa. Thậm chí, ngày 24-2 tức rằm tháng Giêng, lượng người đến chùa Hương rất thưa, trên suối Yến không còn cảnh đò vào ra san sát; trên động Hương Tích có thời điểm cũng kín người nhưng không chen chúc.

img-6454-1442.jpeg
Du khách tại động Hương Tích ngày 24-2 ít hơn so với các năm trước. Ảnh: CTV

Một số lái đò cho biết, khoảng 1-2 năm nay, lượng người đến trẩy hội chùa Hương giảm so với trước kia. Năm nay, khoảng 2-3 ngày chủ đò mới lại đến lượt chở khách.

img-6450-9593-6842.jpeg
Dòng suối Yến ngày 24-2 mưa tầm tã và trời rét. Ảnh: CTV

Bù lại, với nhiều du khách, đi lễ đầu xuân mà không phải chen chúc, xô đẩy, vai hích vai sì sụp khấn vái, không phải xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ... mới đúng nghĩa là đi vãn cảnh đầu xuân, cầu bình an, hạnh phúc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh. Theo đánh giá của nhiều người, công tác tổ chức lễ hội tại chùa Hương và Đền Trần năm nay cũng quy củ, thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, lý giải cho hiện tượng nhiều lễ hội năm nay thưa vắng, nhiều người cho rằng, một phần nguyên nhân do trời mưa rét, một phần còn do nhận thức về tâm linh - tín ngưỡng hiện nay đã có sự thay đổi tích cực, do gần đây, báo chí và mạng xã hội liên tục phản ánh, bài trừ các hiện tượng biến tướng trong lễ hội, lợi dụng tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi hoặc những vụ việc tiêu cực, phản cảm trong thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục