Lễ hội đền Hai Bà Trưng được nhân dân địa phương gọi là lễ hội Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), diễn ra từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng, là ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Hai Bà Trưng là biểu tượng ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Từ trong ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ấy tỏa ra chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã quyết tâm đứng lên, đoàn kết một lòng làm chủ đất nước và số phận của mình thì không một sức mạnh cường bạo nào có thể tiêu diệt được. Theo Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp vĩ đại, mà cũng để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá. Đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ.
- Ngày 27-1, hàng ngàn du khách thập phương đã xuôi dòng suối Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tham dự lễ khai hội chùa Hương năm 2023. Năm nay, lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày 23-1 đến 23-4 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết mùng 4 tháng ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Năm nay ban tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang vé điện tử. Trong những ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, chùa Hương đã đón khoảng 100.000 lượt du khách.
- Cùng ngày, lễ hội Gióng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã khai mạc. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội và cả nước, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Năm nay, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến 29-1, nhằm tưởng nhớ và tri ân Đức Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
- Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Hà Nội), lễ hội đền Cổ Loa - một trong những lễ hội từ lâu đời của văn hóa Việt đã được tổ chức. Trước đó, tối 26-1, Bộ VH-TT-DL đã trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa.
- Sáng 27-1, PV Báo SGGP ghi nhận tại quần thể khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp quốc gia “Hoan Châu đệ nhất danh lam” chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) mặc dù thời tiết liên tục có mưa gió lớn và lạnh buốt nhưng hàng ngàn du khách và người dân vẫn “đội mưa” hành hương về chùa để dâng lễ, tham quan đầu xuân.
Ông Võ Thành Chung, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch chùa Hương Tích, cho biết, do ảnh hưởng thời tiết xấu nên lễ khai hội chùa Hương Tích theo kế hoạch tổ chức vào sáng 27-1 mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023 đã phải tạm hoãn và sẽ tổ chức vào ngày 29-1. Để phục vụ nhu cầu du khách, các quầy bán vé, chốt kiểm soát vé, dịch vụ xe điện, thuyền đi trên hồ Nhà Đường và cáp treo vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
Tính từ dịp Tết Quý Mão 2023 đến nay, dù chưa khai hội nhưng nhờ tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, phương tiện đi lại bằng đường bộ, đường sông, cáp treo thuận lợi… nên đã có khoảng 35.000-40.000 khách du xuân hành hương về chùa Hương Tích, tăng 30%-40% so với cùng kỳ năm 2022.