Nhiều kiểu tranh chấp phí chung cư

Việc tranh chấp chung cư có nơi căng thẳng đến “đổ máu”, cho dù đã có nhiều giải pháp được nêu ra từ các quy chế, thông tư đã ban hành.  Xem ra chính sách của cơ quan quản lý vẫn chưa đủ ép phê để hóa giải các xung đột trong chung cư.
Nhiều kiểu tranh chấp phí chung cư

Việc tranh chấp chung cư có nơi căng thẳng đến “đổ máu”, cho dù đã có nhiều giải pháp được nêu ra từ các quy chế, thông tư đã ban hành.  Xem ra chính sách của cơ quan quản lý vẫn chưa đủ ép phê để hóa giải các xung đột trong chung cư.

Cư dân tố… đại diện cư dân

Việc cư dân đấu tranh với chủ đầu tư đã trở nên phổ biến, dường như xảy ra ở hầu hết chung cư có tranh chấp. Nhưng nay lại nảy sinh một tranh chấp mới: cư dân đấu với Ban quản trị (BQT) - tổ chức do cư dân bầu ra để vận hành nhà chung cư!

Chung cư Bàu Cát 2, điểm nóng về tranh chấp giữa cư dân và Ban quản trị

Mười giờ sáng, tay nải đi chợ chưa kịp lên nhà nhưng nghe câu chuyện quản lý chung cư, bà chủ căn hộ 512, lô A chung cư Bàu Cát 2, Tân Bình, liền ngồi lại than phiền: “Cư dân bầu ra họ, tiền do cư dân đóng góp nhưng họ tự đề ra mức lương, không có hóa đơn chứng từ, không ai chịu nổi cảnh đó”. Cụ thể hơn, mới tuần trước đại diện cư dân làm đơn tố cáo BQT gửi lên phường, quận, lên cả Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng. Theo đó, cách đây 6 tháng, cư dân họp bầu BQT nhiệm kỳ mới với 5 thành viên. Đáng chú ý là nhiệm kỳ trước để lại là 1,3 tỷ đồng phí dịch vụ. Nhưng nửa năm trôi qua, bức xúc của cư dân cứ lớn dần lên. Không có sao kê tài khoản ngân hàng số tiền gửi; không có bất cứ một báo cáo tài chính nào của việc thu - chi tiền dịch vụ chung cư, tiền gửi xe của cư dân và khách vãng lai hàng tháng; không công khai giá giữ xe của khách; tự ý thay đổi đội bảo vệ, đội giá lên 30 triệu đồng/tháng nhưng chất lượng vẫn như cũ. Đặc biệt, BQT đã sử dụng 330 triệu đồng đầu tư hệ thống giữ xe thông minh và sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng lại không hỏi ý kiến cư dân, không tổ chức đấu thầu. Ngoài ra, đơn tố cáo cũng liệt kê “tội trạng” của từng thành viên một… Cũng tại cụm chung cư này, cách đây chưa lâu Sở Xây dựng có kết luận thanh tra về việc BQT lô M chi không hợp lệ 1,7 tỷ đồng và yêu cầu khắc phục.

Phí bảo trì: ai giữ?

Phí bảo trì là khoản thu 2% trên tổng giá trị căn hộ nhằm phục vụ cho việc sửa chữa lớn của nhà chung cư. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với những chung cư lớn, luật pháp quy định giao cho BQT nhưng lại có BQT không muốn lấy, có chủ đầu tư thì sợ mất!

Chung cư 4S (quận Thủ Đức) gần 6 năm nay xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp liên miên giữa chủ đầu tư với BQT, trong đó có phí bảo trì chung cư. Đại diện BQT nhận định, Công ty Thành Trường Lộc chiếm dụng, không giao lại cho BQT như quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo một lãnh đạo của Công ty Thành Trường Lộc, không bàn giao là vì ông Trưởng BQT không ở chung cư, ở căn hộ này là người em, chủ đầu tư sợ ông này “ôm” tiền đi mất.

Việc tranh chấp phí bảo trì cũng xảy ra nóng bỏng tại chung cư Era Town (huyện Nhà Bè). Mặc dù chưa bầu BQT nhưng một số cư dân được gọi là ban liên lạc của chung cư này đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có việc chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì khoảng 70 tỷ đồng. Trong khi đó, mới đây tại hội nghị triển khai Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, vấn đề phí bảo trì cũng trở nên nóng bỏng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng BQT chung cư Nguyễn Ngọc Phương (quận Bình Thạnh), nêu lên sự lo lắng của người làm trong BQT: Phí bảo trì chung cư khá lớn, nếu có sự thông đồng trong BQT rút tiền rồi bỏ trốn thì không biết xử lý thế nào. Trong trường hợp bắt được người rút tiền bất hợp pháp, xử tù tội nhưng tiền tiêu mất thì lấy đâu bù vào? Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng), giải thích rằng theo quy định, hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định toàn bộ vấn đề này, ra quy chế số người đứng làm chủ tài khoản, thống nhất việc sử dụng; thông tin đó được gửi đến ngân hàng rồi mới sử dụng… Nhưng những ghi nhận từ thực tế cho thấy, cư dân vẫn chưa thể an tâm nếu như khoản tiền ky cóp 2% bị biến mất, lúc đó chung cư bị hư hỏng, lấy đâu mà sửa?

 Tại chung cư An Bình (Bình Dương), nhiều cư dân đã tố cáo lên công an việc Trưởng BQT chung cư không minh bạch trong chi tiêu. Mới đây nhất, ông này còn ôm hàng chục triệu đồng tiền thu được từ cư dân “lặn mất tăm”. Việc làm này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cư dân khi những hư hại tại chung cư cần tiền để sửa chữa thì không có!


LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục