Thời gian qua, việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Đắk Lắk có nhiều khuất tất, sai phạm, đi ngược với chủ trương ưu tiên dùng thuốc Việt Nam của Đảng và Nhà nước.
Chần chừ xử lý sai phạm
Theo kết luận mới đây của thanh tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2013 - 2015, Sở Y tế Đắk Lắk có nhiều sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế như: chậm đấu thầu thuốc, gia hạn các gói thầu cũ, dẫn đến thanh toán 506 mặt hàng thuốc với giá cao hơn 5,5 tỷ đồng; mua sắm 111 bộ máy tính trị giá 2,8 tỷ đồng “đắp chiếu” từ năm 2010 do đến nay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chưa xây dựng xong và vụ mua sắm trang thiết bị y tế tại các đơn vị trực thuộc từ năm 2011 - 2015 gây thất thoát, lãng phí lớn…
Trong tháng 6-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu Thanh tra tỉnh phải giao hồ sơ về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế sang cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục làm rõ các sai phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tại Sở Y tế Đắk Lắk.
Sau 2 lần bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk gửi công văn thúc giục, đến ngày 30-12-2016, Sở Tài chính Đắk Lắk mới ký Công văn số 3819 trả lời một số nội dung theo trưng cầu giám định của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk. Công văn trên xác nhận việc Sở Y tế Đắk Lắk dùng nguồn vốn xây lắp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để mua 111 máy vi tính là không đúng, trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, giám đốc Ban quản lý Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và những người trực tiếp tham mưu cho giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk. Nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý.
Loại thuốc nội, mua thuốc ngoại…
Vào ngày 24-1 vừa qua, Sở Y tế Đắk Lắk tiếp tục phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu thuốc Generic thuộc dự án mua thuốc khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh năm 2017. Nhưng cuộc đấu thầu này lại có nhiều vi phạm quy định của pháp luật và Nhà nước. Luật Dược ra đời từ giữa năm 2016, kèm Thông tư 10 hướng dẫn rất cụ thể rằng khi lập danh mục thuốc đấu thầu, phải ưu tiên cho những mặt hàng tốt tự sản xuất được của Việt Nam. Lẽ ra các mặt hàng nhóm 3 trúng thầu với giá hợp lý, đáp ứng yêu cầu về điều trị và đảm bảo khả năng cung ứng trong đợt mở thầu thuốc tháng 9-2016 tại Sở Y tế Đắk Lắk như: Cefepime 1g, Cefoxitin 1g, Cefmetazol 1g... phải được ưu tiên sử dụng khi xây dựng danh mục thầu tiếp theo. Nhưng trong hồ sơ mời thầu 2017, hàng loạt mặt hàng nhóm 3 do các công ty Việt Nam sản xuất đã bị Sở Y tế Đắk Lắk loại bỏ khỏi danh mục hoặc giảm số lượng, để thay thế bằng các loại kháng sinh giá cao ngất, ngoại nhập (chưa từng được sử dụng tại Đắk Lắk - PV) với số lượng lớn. Chẳng hạn thuốc Cefoxitin 1g nhóm 1 đặt mua hơn 8,9 tỷ đồng, Cefoxitin 2g nhóm 1 đặt mua hơn 5 tỷ đồng, Cefepim 2g đặt mua hơn 3,8 tỷ đồng, Ceftriaxon 2g đặt mua hơn 3,4 tỷ đồng, Cefmetazol 1g nhóm 2 đặt mua hơn 4 tỷ đồng...
Trong danh mục thuốc 2017, Sở Y tế Đắk Lắk chào thầu với giá trị rất ít cho các loại thuốc tốt sản xuất trong nước, mà dành ưu tiên cho nhiều mặt hàng ngoại nhập, độc quyền với giá trị rất lớn. Chẳng hạn danh mục kê cefoxitin 1g, 2g nhóm 1, thì chỉ có Cefoxitin Gerda 1g, Cefoxitin Gerda 1g là thuốc độc quyền của nhà sản xuất Torlan - Tây Ban Nha mới đấu trúng. Cách làm này đi ngược với chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Đảng và Nhà nước.
| |
THANH TÂM