Những ngày này do ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biển xâm thực đã khiến hàng loạt khu resort ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận – nơi được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam buộc phải đóng của hoặc hoạt động cầm chừng vì các bãi biển xinh đẹp đang bị biển “nuốt chửng” từng ngày.
Tháng 3 vừa qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kết hợp với sóng biển dâng cao, 10 cơ sở du lịch (nhà hàng, resort) ở phường Hàm Tiến đã bị sạt lở nặng. Trong đó, nhiều resort bị thiệt hại khá nặng, các khu nhà hàng, bờ biển đã bị sóng cuốn trôi, có nơi tình trạng biển xâm thực sâu vào bờ đến 10m.
Theo nhiều chủ resort nơi đây, tình trạng bờ biển bị sạt lở như trên chưa từng xảy ra trong vòng 20 năm trở lại đây.
Trước tình cảnh trên, các cơ sở du lịch bị ảnh hưởng buộc phải dùng bao cát, đóng cọc, giăng bạt, làm kè tạm… để hạn chế thiệt hại. Chính việc này đã khiến các bãi biển xinh đẹp ngày nào trở nên lộn xộn, nhếch nhác.
Hệ quả là dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua và cả những ngày gần đây, nhiều KDL nơi đây rất ít có khách đến đặt phòng, nhiều khách đã đặt phòng thì quay lại đòi hủy vì bãi biển quá xấu và không đảm bảo an toàn khi xuống tắm biển.
“Cơ sở của tôi có 21 phòng. Hiện toàn bộ resort đã phải đóng cửa vì khách đến đặt phòng nghỉ dưỡng nhìn thấy bãi biển bị xâm thực quá nhiều đều đã hủy bỏ” – chủ KDL Suối Tiên – Mũi Né buồn bã, cho biết.
Còn ông Mai Văn Sơn, Giám đốc điều hành khu du lịch KDL Villa Aria lo lắng: “Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, có hơn 50 phòng bị khách trả lại. Hiện tại, lượng khách đặt phòng cũng đang giảm mạnh so với năm ngoái. Tất cả cũng chung một lý do là du khách lo ngại bờ biển nhếch nhác không thể xuống tắm”.
Theo các cơ sở du lịch bị ảnh hưởng, ngoài yếu tố tự nhiên, nguyên nhân khiến tình trạng biển xâm thực nhanh chóng như vậy là do một số KDL tự ý làm kè mềm hình chữ T, lấn ra biển khoảng 150m để chống biển xâm thực. Khi kè chữ T được dựng lên, tình trạng sóng biển xâm thực vào bờ diễn ra ngày một nhanh, mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu du lịch liền kề.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp xử lý để hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn về tài sản của người dân và cảnh quan ở các điểm bị sạt lở. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương khảo sát, nghiên cứu sớm đưa ra đề xuất, giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng này.