Trong số các bệnh không lây nhiễm thì rối loạn tâm thần (RLTT) đang có chiều hướng gia tăng, ước tính cả nước hiện có khoảng 15 triệu người bị RLTT, trong đó phần lớn là trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, rất nhiều người bị RLTT không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả do cơ sở điều trị và đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa về tâm thần đang rất thiếu.
“Hoang tưởng” bản thân mắc bệnh
Mới đây, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận đến thăm khám vì nghĩ rằng mình mắc bệnh ung thư dạ dày và muốn chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM để điều trị. Lắng nghe lời kể của bệnh nhân, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có thể mắc hoang tưởng nghi bệnh. Sau khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, bệnh nhân đồng ý khám chuyên khoa tâm thần để tiếp tục điều trị.
Còn anh Lê Huy H. (32 tuổi, ngụ Cầu Giấy, Hà Nội) được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia điều trị do mất ngủ kéo dài, tâm trạng lúc nào cũng buồn chán, cáu gắt. Anh H. cho biết, không nghĩ rằng chỉ vì thay đổi công việc mà bản thân đã bị trầm cảm kéo dài, khiến anh phải nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM, hiện tỷ lệ mắc RLTT ngày càng tăng ở các bệnh nhân khám da liễu. Hoang tưởng nghi bệnh là khi bệnh nhân tin rằng mình đang mắc một căn bệnh, mặc dù các bằng chứng y khoa đều ngược lại. Các hoang tưởng này hay gặp ở người cao tuổi và thường liên quan đến bệnh ung thư hoặc bệnh da liễu... Bệnh thường gặp trong các rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt.
“Việc tiếp cận bệnh nhân có RLTT nói chung và bệnh hoang tưởng nói riêng cần thông qua quá trình trò chuyện, cũng như hành vi của bệnh nhân… để phát hiện kịp thời những trường hợp RLTT và chuyển đến các bệnh viện phù hợp. Qua đó, bác sĩ tâm thần sẽ chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời”, bác sĩ CK2 Nguyễn Trúc Quỳnh thông tin.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang tư vấn cho một bệnh nhân bị trầm cảm |
Theo bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, hiện nay, số người bị RLTT tới viện khám, điều trị có chiều hướng gia tăng với nhiều loại bệnh, như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, Alzheimer, động kinh, chậm phát triển, rối loạn tâm thần cấp tính... Phần lớn bệnh nhân được người thân đưa đi khám trong tình trạng cảm thấy lo lắng, sợ hãi, mất ngủ, đau đầu, rối loạn cảm xúc và hành vi. Trong số các bệnh lý về RLTT thì trầm cảm và lo âu là thường gặp nhất. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện điều trị khá muộn, khi bệnh đã có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều trị.
Thiếu nhân lực, cơ sở chuyên khoa
Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế ), khảo sát mới đây nhất của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy, cả nước có 398/649 bệnh viện huyện và trung tâm y tế quận, huyện tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần, nhưng chỉ 59/649 cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám chữa bệnh nội trú cho bệnh nhân. “Đây là khoảng trống lớn về điều trị RLTT tại tuyến quận, huyện”, ông Cao Hưng Thái nhận định.
Ông cho biết, đối với tuyến xã, phường chủ yếu tập trung vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên và không thực hiện công việc khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị RLTT.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn (Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội), hiện nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và có sự phân bổ không đều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và TPHCM. Cả nước hiện chỉ có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7 bác sĩ). Ngoài ra, cả nước cũng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Trong khi đó, dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được BHYT chi trả, nên các nhà tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và chỉ làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh mắc RLTT vẫn rất rặng nề. Đa số coi RLTT chỉ là tâm thần phân liệt mà không biết rằng RLTT có nhiều loại khác nhau, như: trầm cảm, lo âu, RLTT do rượu, ma túy... Ảnh hưởng của văn hóa xã hội và sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến việc kỳ thị bệnh nhân mắc RLTT, dẫn đến sự chậm trễ điều trị và tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước thực trạng này, ngành y tế thành phố đang đẩy mạnh việc tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng người cao tuổi; nhân viên y tế; học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động dự phòng tầm soát, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho người mẹ trong giai đoạn mang thai và hậu sản, cho các nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ…).
“Trong 3 tháng cuối năm 2023, ngành y tế thành phố sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cùng chuyên gia của Tổ chức BasicNeeds (tổ chức phi chính phủ) triển khai thí điểm mô hình phát hiện, quản lý trầm cảm vừa và nhẹ dựa vào cộng đồng bằng giải pháp không dùng thuốc, với thông điệp “Trầm cảm có thể điều trị được - Đừng để quá muộn”. Sau khi thí điểm tại 5 trạm y tế trên địa bàn, Sở Y tế TPHCM sẽ tổng kết kinh nghiệm và huy động nguồn lực của thành phố để triển khai mở rộng ra các trạm y tế còn lại trong năm 2024”
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG