Ngày 30-7, Sở LĐ-TBXH phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM”. Dự hội nghị có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường.
Tại hội nghị, BHXH TPHCM thông tin, thành phố hiện có hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH, chiếm hơn 51% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đại diện cơ quan BHXH một số quận, huyện, TP Thủ Đức nêu các khó khăn về thực trạng xử lý nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đó là tình trạng một số doanh nghiệp lách luật giảm mức đóng BHXH, BHTN, BHYT; thay đổi trụ sở hoạt động nhưng không thông báo; không tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động hoặc đóng không đủ, đóng không đúng đối tượng, mức lương...
Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM cho biết, từ năm 2020 đến nay, Công an TP tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan BHXH chuyển qua. Tuy nhiên, Công an TPHCM chưa khởi tố vụ án, cũng chưa khởi tố bị can liên quan đơn vị sử dụng người lao động vi phạm pháp luật về BHXH.
Nguyên do, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội “Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” quy định, người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự. Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định.
Bên cạnh đó, hồ sơ cơ quan BHXH chuyển giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra chưa đảm bảo chứng từ tài liệu, không có giá trị pháp lý. Nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác; lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản nhằm tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động...
Tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường nhận xét, việc tăng độ bao phủ của BHXH là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự để phát triển TPHCM trong thời gian tới.
Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp tuyên truyền cho người lao động, chủ doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về chính sách của BHXH.
“Thực tế hiện nay, nhiều người lao động khi ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT đã được doanh nghiệp thực hiện hết, nên người lao động chưa chắc nắm rõ thông tin”, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Đồng chí cũng đề nghị Sở LĐ-TBXH, BHXH TPHCM tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong BHXH và tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi chưa đúng quy định, chưa phù hợp, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật về BHXH.
Ngoài ra, các tổ chức Công đoàn cần theo sát tình hình, dư luận từ công nhân, người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ và phát hiện, phối hợp xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.